- “Bạn sẽ có cảm giác như một trái bóng bị ném mạnh xuống sàn và bật tung trở lại”, - lời một người lính trong đoàn bay mô tả cảm giác của người ngồi trong chiếc máy bay quân sự khi cất cánh, hạ cánh trên đường băng tàu sân bay USS John C. Stennies (Mỹ).
Trong bụng “chó săn”
Sáng 22/4. Sau khi được 3 binh sĩ Mỹ hướng dẫn cách sử dụng mũ bảo hộ, áo phao, thắt dây lưng, 14 thành viên đoàn đại diện quân chủng Hải quân, Không quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tùy viên quân sự Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak… tiến ra khu vực đường băng dành cho máy bay quân sự trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Trong "bụng" chiếc trực thăng quân sự thăm tàu sân bay Mỹ. |
Một máy bay vận tải quân sự đã đậu sẵn trên đường băng, đưa đoàn đến một nơi nào đó trên Biển Đông thuộc lãnh hải quốc tế, cách phía nam Côn Đảo hơn 250 hải lý để lần đầu tiên “mục sở thị” tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Chiếc máy bay chở đoàn khá nhỏ. Ghế ngồi ngược hẳn so với máy bay dân dụng. Tất cả ghế ngồi trong khoang hành khách đều được thiết kế quay lưng lại với buồng lái của phi công và không có bộ phận điều khiển ngả ghế ra sau.
Dưới sàn, lãng đãng một làn khói mỏng. Một người lính trong đoàn bay giải thích: “Đó không phải khói do cháy nên các bạn không phải sợ. Nó do máy lạnh toát ra, chứng tỏ hệ thống điều hoà của máy bay hoạt động tốt”.
Điều đặc biệt nữa là cả khoang hành khách chỉ có 2 cửa kính có đường kính bằng trái bóng để nhìn ra ngoài. Đây cũng là cửa thoát hiểm trong trường hợp máy bay gặp sự cố. “Bạn cũng không cần phải nhìn ra ngoài vì toàn mây và nước”, trưởng lái vui vẻ.
Đại tá Đỗ Minh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam ở vị trí quan sát không lưu trên tàu chiến USS John C. Stennis. |
“Bụng” chiếc máy bay này khi hoạt động thật ồn. Vì thế, mỗi thành viên trong đoàn được phát cho chiếc mũ bảo hộ gắn kèm bộ phận chống ồn.
“Bạn sẽ có cảm giác như một trái bóng bị ném mạnh xuống sàn và bật tung trở lại”, một người lính trong đoàn bay trấn an và đó chính xác là cảm giác khi máy bay đáp xuống tàu USS John C. Stennies sau gần 1 giờ bay.
Tuy đã được dặn dò kỹ càng trước chuyến đi nhưng cánh phóng viên lần đầu tiên được tháp tùng phái đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam đáp xuống tàu sân bay của Mỹ không khỏi thót tim.
USS John C. Stennies - một trong 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ - trông đồ sộ còn hơn một sân vận động. Trên sân băng, hàng chục chiến đấu cơ, máy bay vận tải, máy bay do thám hiện đại đậu san sát.
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS John C. Stennies luôn sẵn sàng đi làm nhiệm vụ. |
Hai bên thảm đỏ, binh lính đứng xếp hàng chào theo kiểu nhà binh để vào phòng VIP. Tại đây, Phó Đô đốc Mark A. Vance, sĩ quan chỉ huy tàu USS John C. Stennies và đại diện các sĩ quan trên tàu đã chờ sẵn để đón phái đoàn quân sự Việt Nam.
Phó Đô đốc Mark A. Vance hóm hỉnh cho biết, tàu USS John C. Stennis được ví như khách sạn nổi, một thành phố thu nhỏ của nước Mỹ. Tàu có tổng cộng 19 tầng, với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, phòng phẫu thuật, đầu bếp chuyên nghiệp.
Chiến đấu cơ F18 cất cánh. |
“Tôi là quản lý khách sạn và thường xuyên phục vụ cho khoảng 5.000-6.000 người có mặt trên tàu”, Phó Đô đốc Mark A. Vance hóm hỉnh nói. Ông cho hay, tàu sân bay USS John C. Stennies có nhiệm vụ hỗ trợ những hoạt động liên quan đến máy bay, nạp nhiên liệu, cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị cho những nhóm chiến đấu xung quanh.
Phòng tiếp khách trên tàu cũng có lịch sử và những điều thú vị. Thiếu tá Cindy Fields, phụ trách báo chí trên tàu cho biết, thảm lót sàn nhà là quà tặng của Thượng viện Mỹ và cách bài trí cũng tương tự như phòng họp ở Thượng viện. Chân dung cố thượng nghị sĩ bang Mississippi John C. Stennis (người mà tên được đặt cho con tàu) và những sĩ quan từng chỉ huy tàu được treo trang trọng trên tường.
Binh lính Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay
Trong số binh lính, sĩ quan trên tàu USS John C. Stennies được cử đại diện tiếp phái đoàn quân sự Việt Nam, có những khuôn mặt thuần Việt.
Một binh sĩ giải thích người Mỹ gốc Việt làm việc trên tàu sân bay USS John C. Stennies không phải hiếm. Joseph Nguyễn, Tom Phạm, Hồ Tấn Minh, Vũ Huy Đăng, Đỗ Nhật Ánh… nói khá rành tiếng Việt.
Những binh lính người Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay. |
Joseph Nguyễn, 23 tuổi, làm ở bộ phận tin học trên tàu sân bay USS John C. Stennies cho biết anh đã làm việc trên tàu được 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học ở bang California.
Mỗi chuyến công tác của những “lính trơn” như Joseph kéo dài từ 6-9 tháng. Joseph gia nhập quân đội và làm việc trên tàu USS John C. Stennies vì ham thích tìm hiểu những đất nước khác nhau. Anh đã đi qua rất nhiều nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia... Anh đã về thăm quê hương Việt Nam 2 lần.
Phòng khách của tàu sân bay USS John C. Stennies. |
Tuổi trung bình của thủy thủ đoàn trên tàu USS John C. Stennies là 19. “Nghề nào cũng có cái thú vị của nó”, Hồ Tấn Minh giải thích. Nhưng Minh thú thật kỷ luật trên tàu rất nghiêm. Thiếu tá Cindy Fields cho biết những binh sĩ trên tàu không được phép yêu nhau và khi bị phát hiện, ngay lập tức những người vi phạm kỷ luật sẽ “cuốn gói” vào bờ.
Đoàn trở về sân bay Tân Sơn Nhất sớm hơn 1 tiếng so với dự kiến, bỏ qua cơ hội được mục kích máy bay chiến đấu F18 hạ cánh trên tàu sân bay, để tránh một cơn bão sắp ập đến trên Biển Đông.
Trước khi chia tay, gặp nhau trong khoang chứa máy bay và phòng chờ, đại tá Đỗ Minh Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân đã ân cần hỏi thăm Tom Phạm.
Tom lái máy bay do thám và đã có 1.300 giờ bay thành công trong lực lượng quân đội Mỹ. Trong suốt cuộc trò chuyện, Joseph, Tom, Đăng, Minh… luôn miệng “dạ, vâng” và tỏ ra rất lễ phép với người lớn tuổi.
-
Bài, ảnh: Trần Duy