221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1194886
"Quốc hội cần vào cuộc giám sát gói kích cầu"
1
Article
null
'Quốc hội cần vào cuộc giám sát gói kích cầu'
,

 - Tham gia phiên tọa đàm sáng nay (29/4) về đánh giá việc sử dụng chính sách tài chính, tiền tệ kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cần vào cuộc giám sát ngay gói kích cầu của Chính phủ.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban cho hay, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giải trình về gói kích cầu này trước phiên họp toàn thể của Ủy ban đầu tháng 5.

Gói kích cầu 1 tỷ, 6 tỷ hay... 8 tỷ USD

Ảnh minh họa: LAD
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa, bất kể việc truyền thông đưa tin về gói kích cầu thứ nhất, gói kích cầu thứ hai... với những số tiền khác nhau, thì cho đến nay, vẫn chưa hề có một công bố chính thức về một chương trình cụ thể cho các gói kích cầu.

Quy mô gói kích cầu thực sự là bao nhiêu, ngay cả nhiều đại biểu QH và lãnh đạo địa phương cũng còn "mù mờ", có lẽ vì chưa được QH thông qua.

"Các tỉnh chỉ biết triển khai Nghị quyết 30 chống suy giảm kinh tế, không biết thế nào là gói 1, gói 2", ông Nghĩa cho hay.

Thực chất, dù chưa được QH thông qua, nhưng để "cấp cứu" kịp thời cho nền kinh tế, Chính phủ đã tiến hành các biện pháp kích cầu như giảm, giãn thuế, cấp bù lãi suất 4%. Riêng chi cho đầu tư công đã lên tới 10 tỷ USD.

Sắp tới, Chính phủ sẽ phải công khai chi tiết đường đi nước bước của từng khoản kích cầu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội sẽ phải đi theo ngay để làm rõ xem tiền hỗ trợ dùng từ tiền đóng thuế của dân có đến đúng đối tượng, đạt mục tiêu hay không, số tiền thực sự đi vào sản xuất là gì. Ủy ban này nên có barem về các chuẩn mực tài chính và chi tiêu tài chính để làm căn cứ cho giám sát.

Đánh giá hiệu quả gói kích cầu, các chuyên gia kinh tế tập trung phân tích làm rõ biện pháp nào hiệu quả, biện pháp nào không đạt được mục tiêu. Thực sự, các chính sách giảm, giãn thuế vừa qua đã kích được "cầu" chưa hay tiếp tục làm thâm hụt ngân sách không đáng có.

Chẳng hạn, theo Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính Quách Đức Pháp, chính sách miễn, giảm, giãn và hoàn thuế thu nhập cá nhân không tác động mấy đến nền kinh tế, chưa kể, chỉ tập trung vào tầng lớp trung lưu trở lên. Chưa có khảo sát nào để thấy người dân đã dùng số tiền được miễn, giảm này vào tiêu dùng.

Tương tự, với việc cấp bù lãi suất, mặc dù lượng tín dụng giải ngân cao nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không đáng kể. Điều này cho thấy việc cấp bù mới được dùng để đảo nợ chứ không để tái đầu tư sản xuất.

Theo Giám đốc Trung tâm phân tích dự báo (Viện KHXH Việt Nam) Nguyễn Thắng thì các nước công khai chuyện hỗ trợ để tránh đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp nhưng đi kèm là những điều kiện ràng buộc khắc nghiệt.

"Nếu cấp bù lãi suất để DN đảo nợ tránh đổ vỡ cũng không sao nhưng dân cần được biết hỗ trợ có vào đúng chỗ, thuốc có chữa đúng bệnh không", ông Thắng nói.

Tồn ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng?

Ông Lê Xuân Nghĩa lo ngại về số tiền dùng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Đến nay, các tính toán vẫn chưa đi đến thống nhất rằng số hụt thu là 30 ngàn tỷ hay hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nhiều giải pháp được đưa ra như bù bằng phát hành trái phiếu cả nội và ngoại tệ, tạm ứng từ 2010 và chuyển nguồn của năm 2008. Nhưng, nguồn bù đắp thâm hụt thực sự là từ đâu?

Ông Nghĩa "hiến kế", tình thế đất nước đặc biệt như lúc này là thời điểm cần dùng đến số dự trữ ngoại tệ của Chính phủ. "Khủng hoảng 100 năm mới đến một lần, nếu không dùng lúc này thì đợi đến khi nào?", ông Nghĩa hỏi.

Ngoài ra, có thể phát hành trái phiếu thời hạn dài để bù đắp thâm hụt, đồng thời xã hội hóa các gói kích thích kinh tế như khuyến khích tư nhân mua lại hoặc sáp nhập các DN sắp giải thể. Sắp tới, nên thiết kế một gói tài chính để mua lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Ủy ban Kinh tế QH cũng cho rằng, trong tình trạng thu siết chặt, chi ào ào như năm nay, ngoài phát hành trái phiếu thì nên huy động tổng lực các khoản tiền nhàn rỗi trong dân bằng cách tăng lãi suất tiền gửi.

"Phải mạnh dạn tăng lãi suất cao và dài hơi, đây là cách hỗ trợ "lọt sàng xuống nia", huy động được tiền nhàn rỗi cho doanh nghiệp đang khát vốn".

Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Đặng Văn Thanh, Chính phủ nên tận dụng khoản tiền nhàn rỗi đang tồn đọng tại các kho bạc. Theo ông, trong kho bạc luôn tồn ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng. Ông cũng kiến nghị Chính phủ nên tập trung tận thu hết các khoản nợ đọng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.

"Nếu dùng hết tiền nhàn rỗi trong dân và của Nhà nước thì tình hình ngân sách cũng không đến nỗi quá căng", ông Thanh đề xuất.

Nhiều chuyên gia dự cuộc tọa đàm cũng "hiến" nhiều cách để Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH có thể cùng vào cuộc giám sát đường đi của dòng tiền. Chẳng hạn, cân nhắc thiết lập đường dây nóng để người dân và DN cùng tham gia. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt các khoản vay ưu đãi lớn dành cho DN thâm dụng vốn. Đặc biệt, yêu cầu công khai các thành phần của gói kích cầu cũng như một kế hoạch tổng thể để khi về địa phương, ĐBQH cũng như lãnh đạo các tỉnh không phải vất vả phân biệt "gói thứ nhất, gói thứ hai".

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,