- “Tôi cho rằng, trong thời bình, xã hội dễ phân tâm. Nhưng càng như vậy, lãnh đạo càng phải rất gương mẫu, nói phải đi đôi với làm" - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết riêng cho VietNamNet nhân kỷ niệm 34 năm chiến thắng lịch sử 30/4 thống nhất đất nước.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ông là vị tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967–1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
Cùng với các tướng Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành công trong chiến tranh.
Một thời trong sáng
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: canavanviet
Cuối thập niên 60, một trong ba vấn đề chiến lược mà đế quốc Mỹ cần xử lý để thực hiện tốc chiến tốc thắng là ngăn chặn được chi viện của miền Bắc.
Về phía ta, để chống Mỹ, toàn Đảng, toàn dân phải huy động sức người, sức của để cùng miền Nam thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến cho tới khi giành được thắng lợi.
Mặc dù không ép buộc, nhưng khi lời hiệu triệu của Đảng phát đi, toàn dân tộc ta đã xung phong ra trận. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là khẩu hiệu tự dân đặt ra và được thực hiện một cách tự nguyện.
Đương nhiên, để có được lòng dân lớn lao đến như vậy, trước hết là lòng tin vào Đảng; là tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người suốt đời vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hi sinh tất cả.
Toàn dân đã noi theo những tấm gương đó mà dốc lòng, dốc sức tạo nên sức mạnh cộng hưởng toàn dân tộc đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh hơn ta rất nhiều. Thời đó, ai vì lý do nào đó không hoàn thành nhiệm vụ họ cảm thấy đau đớn lắm. Dân của ta tuyệt vời như thế đấy!
Chính sức mạnh cộng hưởng đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội địa cầu và chiến thắng 30/4/1975 giành lại độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.
Đó là một thời trong sáng nhất, oanh liệt nhất của dân tộc.
Lợi ích quốc gia là trên hết
Việt Nam đã gia nhập WTO, hội nhập với thế giới. Chúng ta sẵn sàng bắt tay làm bạn với thế giới để làm ăn. Nhưng dù có làm gì, cũng luôn phải nhớ rằng lợi ích quốc gia là trên hết. Bất cứ nước nào cũng vậy.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, gần 1 triệu người lao động đang lâm vào tình cảnh thất nghiệp.
Vậy tại sao có chuyện dự án nước ngoài thắng thầu và đưa lao động phổ thông nước họ vào làm việc ngang nhiên tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có giấy phép lao động?
Vì tình trạng thất nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam, không thể làm ngơ việc này. Công nhân xây lắp Việt Nam đủ sức để xây dựng tất cả các công trình của nước mình.
Nếu có một số việc chưa biết thì chỉ nên thuê một ít chuyên gia giỏi.
Lãnh đạo phải rất gương mẫu
Tôi cũng biết, giờ đây cạnh tranh giữa các quốc gia vô cùng gay gắt. Các nhà lãnh đạo một mặt muốn đẩy nhanh phát triển. Đẩy nhanh phát triển là đúng, nhưng phải biết chọn lựa các công trình vì lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
Phát triển đất nước rất cần có chiến lược bình tĩnh, khôn ngoan và phải theo quy hoạch, có kế hoạch, không phải cứ mạnh ai nấy làm. Chúng ta hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam. Nhưng đầu tư gì, đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào thì Chính phủ phải lựa chọn trên nguyên tắc “lợi ích quốc gia là trên hết”.
Cơ chế thị trường là đúng, nhưng thị trường phải có sự quản lý. Tại sao một viên thuốc cho người bệnh, ai bán giá bao nhiêu cũng được. Với người bệnh nghèo sẽ như thế nào?
Và có chuyện thu hồi đất của dân với giá 120.000 đồng/m2, để xây nhà lên những căn nhà bán với giá 15-20 triệu đồng/m2. Rõ ràng, có chuyện một số người chỉ qua một đêm có thể kiếm tiền tỷ trên tài nguyên đất đai của quốc gia, của nhân dân.
Tôi cho rằng, trong thời bình, xã hội dễ phân tâm. Nhưng càng như vậy, lãnh đạo càng phải rất gương mẫu, nói phải đi đôi với làm.
Xây dựng Tây Nguyên phải do chính người Việt Nam làm "Phải mất bao nhiêu đời, bao nhiêu xương máu, ta mới giành lại được Tây Nguyên - nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại chạy qua.
Trong thời chiến, thời bình và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên cũng luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng.
Tất nhiên, giữ Tây Nguyên không đồng nghĩa với việc để Tây Nguyên kém phát triển. Đảng và Nhà nước phải có chính sách lo cho Tây Nguyên phát triển ngang tầm với vị trí chiến lược trọng yếu.
Thiếu vốn thì đi vay, thiếu máy móc thì mua về, thiếu chuyên gia thì đào tạo.
Nhưng tuyệt đối không được cho bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên. Xây dựng Tây Nguyên phải do chính bàn tay người Việt Nam làm".
-
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên