221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1198442
Việt Nam báo cáo về nhân quyền tại Liên hợp quốc
1
Article
null
Việt Nam báo cáo về nhân quyền tại Liên hợp quốc
,

 - 14h30 chiều 8/5, theo giờ Geneva, Thụy Sỹ, (19h30, giờ Hà Nội), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Phạm Bình Minh đã phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ của Liên hợp quốc.

Lần đầu tiên thực hiện báo cáo về nhân quyền trước Liên hợp quốc, Việt Nam đã chuẩn bị một bản Báo cáo quốc gia, xây dựng trong 2 năm, đề cập toàn diện, đầy đủ về các cơ chế, hệ thống luật pháp về việc đảm bảo quyền con người.

Việt Nam báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người tại Liên hợp quốc ngày 8/5. Ảnh: VNN

Hiến pháp ghi nhận quyền con người

Phát biểu tại Hội đồng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền con người.  Hiến pháp Việt Nam ghi rõ các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng... và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
 
Chính sách đó dựa trên nhận thức của Nhà nước Việt Nam coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại được tạo lập qua sự phấn đấu của các dân tộc qua các thời đại. Chính sách tôn trọng quyền con người của Nhà nước Việt Nam cũng có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử và văn hoá có bề dày hàng nghìn năm của dân tộc.

“Trên đất nước Việt Nam, 54 dân tộc đã nhiều đời chung sống hoà bình, chưa từng có xung đột sắc tộc. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, các giá trị nhân văn, cởi mở với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận những giá trị từ bên ngoài”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Ông Phạm Bình Minh khẳng định ý chí của Nhà nước Việt Nam còn xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam đã từng bị tước bỏ những quyền tự do, cơ bản nhất khi phải làm người dân thuộc địa và đã phải trải qua muôn vàn hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. 

Trên 20 triệu người VN là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, bao gồm các tôn giáo lớn trên thế giới là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo; trên 80% dân số có tín ngưỡng. 

Chính sách đảm bảo thực hiện quyền con người của Nhà nước Việt Nam được thể hiện bằng luật pháp, các chính sách cụ thể trong các lĩnh vực, thực hiện bằng nhiều cơ chế khác nhau. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật. 

Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm tất cả các quyền dân sự, chính trị cho người dân ở Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền.

Thứ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam  đang thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 về thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính để nâng cao tính dân chủ, trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, từ đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.

Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, thông tin, báo chí và sự tham gia của công dân dưới nhiều hình thức thông qua các tổ chức đại diện cho mình, hoặc trực tiếp qua các cơ chế được luật định, trong đó có Luật Khiếu nại tố cáo và Quy chế dân chủ cơ sở.

Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ chúc đoàn Việt Nam trước phiên báo cáo.  Ảnh: VNN

"Trong thực tế đời sống chính trị, xã hội hiện nay ở Việt Nam, người dân tự nguyện tham gia tích cực vào việc ứng cử, bầu cử đại diện của mình từ các tầng lớp khác nhau của xã hội vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp".

Việc đảm bảo các quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Sau 20 năm đổi mới,  thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 5 lần; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm 4 lần (từ 60% xuống còn 13,8%) và được Liên hợp quốc, nhiều đối tác phát triển nhìn nhận là một trong số những nước đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất. Liên hợp quốc cũng đánh giá Việt Nam đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và có thể đạt tất cả các Mục tiêu này theo đúng thời hạn. 

Thách thức

Năm 1990, Việt Nam mới có 258 tờ báo và tạp chí, nay đã tăng gấp 3 lần với 700 cơ quan báo in, với 850 ấn phẩm.

Cả nước có 68 đài phát thanh, truyền hình ở cấp trung ương và ở tỉnh thành, 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử, 55 nhà xuất bản.

Hiện ở Việt Nam có 15.000 nhà báo được cấp thẻ, số người tiếp cận Internet chiếm gần 24% dân số, cao hơn mức trung bình ở châu Á là 18%.

Đề cập tới các thành tựu song Việt Nam cũng thừa nhận các thách thức, khó khăn phải đối mặt trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, có lúc còn để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân.

Thứ trưởng khẳng định trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục giành ưu tiên cho các chương trình xoá đói giảm ngèo, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, bồi dưỡng thế hệ trẻ, mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo. 

Những ưu tiên quan trọng khác là thực hiện tốt Chương trình tổng thể về cải cách hành chính, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra. 

Chính phủ Việt Nam cũng nêu rõ những cam kết về các biện pháp cụ thể thực hiện các ưu tiên đó cùng với những cam kết về việc tham gia thêm một số điều ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế quốc tế, khu vực, trong đó có việc mời các báo cáo viên đặc biệt về quyền con người vào thăm Việt Nam.

“Việc đảm bảo quyền con người hiện là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế và cũng là của Việt Nam. Mục tiêu cao nhất, đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể về quyền con người ở Việt Nam là phấn đấu hết sức mình để xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", ông khẳng định. 

Sau bài phát biểu của Thứ trưởng Phạm Bình Minh, đại diện các nước tại Liên hợp quốc lần lượt phát biểu, đưa ra các khuyến nghị cũng như đặt câu hỏi cho đoàn Việt Nam. Phiên thảo luận, đối thoại kéo dài đến 17h30 giờ địa phương, tức 22h30 giờ Việt Nam.

VietNamNet sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc thông tin chi tiết về sự kiện này.

  • VietNamNet (từ Geneva) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>