- Phiên họp nghe báo cáo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kết thúc tại Geneva, Thụy Sỹ chiều 8/5 theo giờ địa phương (đêm 8/5 giờ Hà Nội). Đại diện các nước thành viên đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị của Việt Nam.
Việt Nam - mô hình cho các nước đang phát triển
Tại phiên họp ở Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: VNN |
Một trong những nội dung nổi lên tại phiên họp được đông đảo đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc đánh giá cao, đó là thành tựu Đổi mới, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ổn định của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc.
Các nước đặc biệt đánh giá cao việc lần đầu tiên Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam, trong đó phản ánh chi tiết, đầy đủ việc đảm bảo thực hiện quyền con người trên mọi khía cạnh, lĩnh vực.
“Với tư cách quốc gia láng giềng và cùng trong khu vực, chúng tôi đã quan sát những phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thập kỷ qua. Việt Nam đã đạt được những kết quả trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và chúng tôi tin tưởng rằng những thành tựu đó có thể được xem như là như mô hình cho các quốc gia đang phát triển khác. Việt Nam cũng đã tích cực hợp tác trong các cơ chế nhân quyền quốc tế, tham gia đối thoại về nhân quyền”, đại diện Philipines phát biểu.
Đại diện Cuba khẳng định có thể nhận thấy những nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong việc thực hiện các quyền dân sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân. Thành quả có thể nhận thấy ở sự thanh bình, xã hội phát triển theo đuổi giá trị công bằng, thịnh vượng.
Nhiều nước tại Liên hợp quốc đánh giá cao các cam kết, tầm nhìn, kế hoạch của Chính phủ thể hiện trong bản báo cáo về thực hiện quyền con người.
Đại diện Trung Quốc ấn tượng việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự cân bằng trong phát triển kinh tế cùng với việc đưa ra những ưu tiên, nguồn lực cho phát triển giáo dục, y tế, nhân quyền, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho người dân, phổ cập giáo dục tiểu học và đặc biệt nỗ lực thực hiện các MDGs.
Đại diện Trung Quốc đề xuất Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, đặc biệt vùng miền núi và nông thôn.
Lần đầu tiên, Việt Nam trình bày báo cáo tại một diễn đàn lớn, trước 192 nước. Ảnh: VNN |
Ấn tượng bởi sự chuyển đổi kinh tế
Đại diện Indonesia mong muốn Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ thúc đẩy quyền con người trong khu vực. Nước này cho hay công cuộc Đổi Mới, hiệu quả của chiến lược xóa đói giảm nghèo, thành công trong thực hiện các MDGs là những ấn tượng tốt.
Thái Lan khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện những nỗ lực liên quan đến xóa đói giảm nghèo như phương tiện để đảm bảo nâng cao hơn nữa quyền con người, cũng như nâng cao năng lực cán bộ thực hiện các quyền con người.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển đổi nền kinh tế đầy ấn tượng của Việt Nam, đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ cũng như kế hoạch hành động của Chính phủ về việc đảm bảo thực hiện quyền con người trong mọi lĩnh vực. Thái Lan khuyến khích Việt Nam củng cố các dịch vụ và phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe hơn nữa để nâng cao đời sống của người dân cũng như tiếp tục nỗ lực cải thiện hệ thống luật pháp liên quan đến thực hiện quyền con người”, đại diện Thái Lan phát biểu.
Cùng với những nhận định, cam kết ủng hộ, hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người, đại diện các nước đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể liên quan đến xóa đói giảm nghèo, hoàn thiện hệ thống luật pháp, về người dân tộc thiểu số, tôn giáo, báo chí, án tử hình, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, nâng cao chất lượng giáo dục, an sinh xã hội…
-
VietNamNet (từ Geneva, Thụy Sỹ)