221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1199564
8 tỷ USD kích cầu lấy từ nguồn nào, chi ra sao?
1
Article
null
8 tỷ USD kích cầu lấy từ nguồn nào, chi ra sao?
,

 - Tại buổi khai mạc phiên họp thứ 20 Ủy ban TVQH sáng nay (12/5), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ trình bày về lai lịch số tiền 8 tỷ USD kích cầu. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Chính phủ có một báo cáo chi tiết đầy đủ trước một cơ quan của Quốc hội về số tiền 8 tỷ USD lấy từ những nguồn nào và sẽ dùng ra sao.

Năm nay, Chính phủ đã cấp 275 tấn lúa giống để hỗ trợ địa phương gặp mưa lũ. Ảnh: Trận lụt Hà Nội năm 2008 - Lê Nhung

Trước đó, họp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Thứ trưởng Cao Viết Sinh đã giới thiệu vắn tắt, quy mô gói kích cầu đến nay ước khoảng 143 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 8 tỷ USD, bao gồm những khoản đã triển khai và dự kiến triển khai trong thời gian tới, cộng với 1 tỷ USD vốn vay có bảo lãnh.

8 tỷ kích cầu lấy từ đâu?

Theo đó, số tiền chi cho hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng vào khoảng 17.000 tỷ đồng, bao gồm các khoản chi sau đây.

Trước hết, Chính phủ  đã cho phép hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh trong thời hạn 1 năm. Số tiền bù chênh lệch lãi suất được lấy từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Tính đến 23/4, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 268.700 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 4/4, Thủ tướng đã ra quyết định về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, với thời gian không quá 24 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4.

Hai tuần sau đó, Chính phủ đã có quyết định về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất cho khu vực nông thôn.

Phản hồi từ các doanh nghiệp và địa phương cho thấy gói kích cầu hỗ trợ lãi suất đã được triển khai kịp thời. Cơ chế hỗ trợ được phổ biến công khai.

Khoản kích cầu thứ hai trị giá 3.400 tỷ đồng tính từ số tiền tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ứng trước kế hoạch năm 2009. Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT trình danh mục dự án và số vốn hoãn thu hồi trong năm 2009 nhằm phục vụ mục tiêu kích cầu đầu tư và khắc phục tình trạng ứ đọng, tồn kho nguyên, nhiên vật liệu từ cuối năm 2008. 

Để thực hiện một số dự án cấp bách, Chinh phủ chủ trương cho phép ứng trước 37.200 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 26.700 tỷ đồng ứng vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2009 và 2010.

Ngoài ra, 1.525 tỷ đồng cũng sẽ được ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện các khoản ứng trước để tăng kinh phí kiên cố hóa kênh mương, đầu tư hạ tầng làng nghề, hạ tầng thủy sản (3.000 tỷ đồng) và thực hiện đề án nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo, cấp bù chênh lệch lãi suất, kinh phí xúc tiến thương mại... với tổng số tiền 9.000 tỷ đồng.

Khoản kích cầu thứ tư trị giá 27.600 tỷ đồng chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009.

Ngoài ra, Chính phủ đang trình Quốc hội phát hành thêm khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Việc phát hành là để bổ sung cho các mục tiêu về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, xây dựng ký túc xá cho sinh viên...

Khoản kích cầu thứ sáu trị giá 28.000 tỷ đồng, thông qua các biện pháp thuế. Theo đó, giảm thu ngân sách do thực hiện chính sách giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp trị giá khoảng 13.000 tỷ đồng.

Giảm thu ngân sách do thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân ước tính 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% cộng với giảm thuế 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ đã làm giảm đáng kể ngân sách, dự kiến xấp xỉ 8.600 tỷ đồng.

Khoản kích cầu thứ bảy tính từ việc tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trị giá khoảng 17.000 tỷ đồng.

Cuối cùng, các khoản chi kích cầu khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ước tính khoảng 9.800 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ đã cho phép tăng mua dự trữ quốc gia về gạo và xăng dầu với tổng số tiền 2.800 tỷ đồng. Đồng thời, ứng chi để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên như hỗ trợ DN khó khăn trả lương công nhân, hỗ trợ thay thế xe công nông, xe ba bánh, tiền tết cho người nghèo...

Như vậy, quy mô gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội đã lên tới 9 tỷ USD.

Nên có barem để giám sát

Trao đổi với VietNamNet mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh khẳng định, đưa một lượng tiền lớn vào thị trường có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát quay trở lại như nhiều chuyên gia quan ngại, nhưng trước mắt thì sẽ chưa thể xảy ra. "So với tình hình trước kia, nguy cơ lạm phát cũng không cao. Năm 2009, khả năng lạm phát sẽ chỉ ở mức 6%", ông Sinh nói.

Bộ này cũng đưa ra cam kết, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện gói kích cầu để tránh tình trạng chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng, gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực.

Với tư cách là cơ quan độc lập giám sát tình hình tài chính, ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng dự kiến sẽ vào cuộc để đi thực tế, tìm hiểu tình hình triển khai gói kích cầu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển, không chỉ nghe các bộ, ngành giải trình mà cơ quan này cũng sẽ có giám sát riêng, độc lập với các đối tượng được hưởng gói kích cầu để xem việc chi tiêu liệu có đúng nguyên tắc, tiền có vào đúng địa chỉ.

Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa "hiến kế",  Ủy ban này nên có barem về các chuẩn mực tài chính và chi tiêu tài chính để làm căn cứ cho giám sát.

  • Lê Nhung

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,