- “Người dân cần ràng buộc chính phủ về trách nhiệm đối với các dịch vụ mà chính phủ cung cấp. Họ phải có cơ hội lên tiếng liệu họ có hài lòng với các dịch vụ đó hay không”, bà Fiona Lappin, Trưởng Đại diện Bộ Phát triển Vương quốc Anh (DFID) tại Việt Nam trao đổi với VietNamNet trước giờ khai mạc vòng chung khảo Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 sáng nay (12/5) tại Hà Nội.
Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 có chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”.
Cần ràng buộc trách nhiệm dịch vụ công
Thưa bà, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch có ý nghĩa như thế nào đối với một nền công vụ hiệu quả?
Trách nhiệm giải trình là một quy trình hai chiều. Người dân có những nhu cầu mà chỉ có những dịch vụ của chính phủ mới đáp ứng được. Về phần mình, chính phủ phải cung cấp những dịch vụ này một cách hiệu quả nhất. Người dân cần ràng buộc chính phủ về trách nhiệm đối với các dịch vụ mà chính phủ cung cấp, và họ phải có được cơ hội lên tiếng liệu họ có hài lòng với các dịch vụ đó hay không.
Theo bà, người dân cần có những công cụ gì để giám sát hoạt động của nền công vụ và làm thế nào để nâng cao tính năng động của người dân trong việc thực hiện giám sát nền công vụ đó?
Như tôi đã trình bày ở trên, thông tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quy trình này. Người dân nên phát huy các phiếu trưng cầu ý kiến và sử dụng chúng nhu một cơ chế phản hồi. Các phiếu trưng cầu ý kiến nên được sử dụng rộng rãi hơn và kết quả của các cuộc điều tra cần được công bố đều đặn như là một phần của quy trình chia sẻ thông tin rộng hơn.
Các hiệp hội nghề nghiệp có một vai trò nhất định trong việc giám sát các quan chức nhà nước và ràng buộc trách nhiệm đối với họ. Tôi thấy có những ví dụ rất tốt ở Việt Nam, được nêu trong bản báo cáo “Các hình thức phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam” do các nhà tài trợ, trong đó có DFID, tài trợ.
Một ví dụ là Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng và Đo lường tiêu chuẩn Việt Nam đã góp phần đưa ra công luận những sai sót trong việc cung cấp điện của các doanh nghiệp nhà nước. Nhà cung cấp điện đã lắp các đồng hồ đo không chuẩn làm tăng lượng điện tiêu thụ của một số hộ dân tại thành phố Hồ Chí Minh và qua đó đã làm tăng đáng kể các hóa đơn thanh toán tiền điện.
Việc tăng cường cũng như chính thức hóa vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát chất lượng các dịch vụ công sẽ giúp Việt Nam có được những bước tiến lớn trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.
Vượt rào cản lợi ích
Liên quan đến việc giám sát, ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Nhưng trên thực tế, có tới 2/3 đại biểu của Quốc hội đang làm việc kiêm nhiệm, vừa làm người đại diện nhân dân, vừa làm quan chức hành pháp, nghĩa là họ vừa là người phải có trách nhiệm giải trình lại vừa là người đòi hỏi trách nhiệm giải trình. Bà có gợi ý gì để những người đó làm tốt hai chức năng một lúc không?
Đây là một câu hỏi phức tạp. Cộng đồng các nhà tài trợ hài lòng nhận thấy vai trò ngày càng lớn của Quốc hội trong việc giám sát các quyết định cũng như các họat động của chính phủ. Nâng cao vai trò của cơ quan kiểm toán trong việc giám sát và kiểm soát ngân sách nhà nước là một bước tiến rất đáng hoan nghênh. Có lẽ giải pháp lâu dài vẫn là các đại biểu Quốc hội nên họat động chuyên trách, qua đó sẽ loại bỏ được những mâu thuẫn không cần thiết về lợi ích.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng và chỉnh sửa nhiều đạo luật liên quan đến kinh tế, chống tham nhũng... Đánh giá của bà?
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là các bộ luật không chỉ cần được thông qua mà còn cần được thực hiện một cách hiệu quả.
Luật chống tham nhũng cần sự phối hợp ăn ý giữa nhiều cơ quan chính phủ trong việc áp dụng những biện pháp đúng đắn và các cơ quan phi chính phủ, giới truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự và công chúng trong việc giám sát việc thực thi và báo cáo về kết quả thu được. Điều này quả là không dễ dàng.
Luôn có những lợi ích cố hữu cản trở hiệu quả của việc thực thi. Vấn đề ở đây là làm thế nào để chính phủ huy động tốt nhất các nguồn lực để vượt qua các rào cản của những lợi ích nêu trên và có thái độ không khoan dung đối với vấn đề tham nhũng ở Việt Nam.
Blog giúp minh bạch
Kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm giải trình và minh bạch trong nền hành chính công vụ ở các nước phát triển, cụ thể như ở Anh như thế nào, thưa bà?
Tôi muốn chia sẻ với các bạn ba khía cạnh từ kinh nghiệm mà chúng tôi có được ở nước Anh. Đó là vai trò quan trọng của giới truyền thông, sự đóng góp của các các tổ chức vận động hành lang đại diện cho một vài nhóm quyền lợi và cuối cùng là hoạt động của các “thanh tra viên”.
Từ lâu, giới truyền thông có một vai trò rất quan trọng ở Anh. Trước đây, các loại báo viết và truyền hình là các kênh chính mà thông qua đó, chính phủ cùng các tổ chức công vụ khác phải chịu trách nhiệm trước người dân và tính minh bạch được đề cao. Ngày nay, truyền thông điện tử đóng một vai trò tích cực và blog trở thành một trong các kênh rất hữu hiệu.
Các tổ chức vận động hành lang luôn hoạt động rất có hiệu quả để vận động cho các lợi ích thông thường trong xã hội, ví dụ như đại diện cho các nhóm người thiệt thòi.
Tôi rất mừng khi thấy những tổ chức kiểu như thế này đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, ví dụ như nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” của những người bị nhiễm HIV/AIDS.
Ví dụ cuối cùng của tôi là tổ chức của các thanh tra viên. Ở Anh, chúng tôi có những nhân viên kỹ thuật do chính phủ chỉ định chuyên giám sát hoạt động của các cơ sở y tế. Thanh tra viên này sẽ giải quyết nhũng khiếu nại về các dịch vụ y tế các nhà nước, các tranh chấp giữa các cơ sở y tế và bệnh nhân. Chúng tôi cũng có các thanh tra viên trong các lĩnh vực khác, thậm chí có cả các thanh tra viên riêng cho lĩnh vực tư nhân.
Để giải quyết các khiếu nại của người dân về việc phải chờ đợi rất lâu tại các phòng cấp cứu, Chính phủ Anh đã đưa ra các chỉ tiêu cho các bệnh viện. Các báo cáo sau đó chỉ ra rằng các chỉ tiêu này đều được đáp ứng, và bệnh nhân đã được thăm khám nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi một tổ chức dân sự vào cuộc, họ phát hiện ra rằng bệnh nhân được khám ngay khi đến bệnh viện, nhưng sau đó họ được chuyển sang phòng chờ để được điều trị.
Tổng thời gian chờ đợi cuối cùng vẫn không hề ngắn lại. Kết quả là tổ chức này được mời giám sát hoạt động của bệnh viện nhằm cung cấp cho Chính phủ các thông tin cập nhật về thời gian phải chờ đợi thông qua các cuộc kiểm tra đột xuất ở bệnh viện.
Hỗ trợ thực hiện 20 đề án chống tham nhũng Hôm nay và ngày mai (12-13/5), Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức vòng chung khảo Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 và các hoạt động trao đổi tri thức với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” tại Hà Nội. Đây là cuộc thi tìm kiếm các đề án nhằm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm tại cấp cơ sở. Đã có hơn 150 đề án dự cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam, tập trung vào các chủ đề: Tăng cường cải cách hành chính, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân, thúc đẩy và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách ở địa phương, đặc biệt là phần ngân sách do nhân dân đóng góp, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính... Nội dung ý tưởng liên quan đến quyền tiếp cận thông tin cũng được khuyến khích như tăng cường nhận thức của người dân và cách tiếp cận thông tin về các chính sách, luật, quy định và ngân sách của Chính phủ, cải thiện sự chủ động từ phía chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến người dân như pháp luật về khiếu nại, tố cáo... Trong Ngày sáng tạo tổ chức vào tháng 5 này, tác giả các đề án vào vòng chung khảo sẽ trình bày với ban giám khảo các sáng kiến hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Sẽ có khoảng 20 đề án xuất sắc nhất được lựa chọn, mỗi đề án có thể được cấp tối đa 15.000USD để thực hiện. Thông tin chi tiết về chương trình Ngày sáng tạo VN 2009 được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Thế giới: worldbank.org/vn/ngaysangtao, trang web của ngành Thanh tra: thanhtra.gov.vn và Báo Thanh tra. |
-
Xuân Linh