- Giải thích gói kích cầu 9 tỷ đôla chỉ một phần là tiền thật, phần khác là "quy ra thóc" từ các cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói, đây là một gói kích cầu mang đặc thù Việt Nam, kết hợp cả "dân quân, du kích, bộ đội chính quy".
Hôm nay (12/5), Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo về gói kích cầu 9 tỷ đôla. Trên cơ sở báo cáo này và giám sát thực tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH đã đưa ra những đánh giá bước đầu.
Dự kiến, dự án nhà ở sinh viên sẽ được đầu tư 8.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Sinh viên phải ở trọ trong các khu nhà chật chội - Lê Nhung
Chiếm gần 10% GDP
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển, quy mô gói kích cầu (xấp xỉ 9 tỷ đôla) so với các nước không lớn, nhưng vẫn chiếm gần 10 GDP (Mỹ là 4,8% GDP; Trung Quốc 4,4%).
Việc ban hành gói kích cầu đều dựa trên các căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thuộc thẩm quyền QH, UBTVQH như tạm ứng không hoàn trả được trong năm; chi ngoài dự toán đã được QH phê chuẩn; bảo lãnh tín dụng... Do đó, đề nghị Chính phủ xin ý kiến QH trước khi quyết định.
Hơn nữa, nguồn lực để kích cầu rất lớn, phát sinh từ các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tạo xung lực và cộng hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ. Vì vậy, Chính phủ phải có báo cáo toàn diện trước QH cả mặt ích lợi lẫn hạn chế.
Nguy cơ lạm phát
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng kiến nghị Chính phủ rà soát các chính sách kích cầu để đảm bảo mục tiêu chi kịp thời và đúng đối tượng.
"Không nên quá lạm dụng chính sách tài khoá mà cần dùng tốt hơn chính sách tiền tệ, hướng tới giảm bao cấp và thực hiện cơ chế thị trường". UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội
Trước hết, về hỗ trợ lãi suất 4% trị giá 17.000 tỷ đồng, Ủy ban lo ngại chính sách này mang tính bình quân, không tạo cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế.
Bù lãi suất 4% thực chất là "cứu trợ" hệ thống ngân hàng và DN đang khó khăn.
Ủy ban này kiến nghị nên làm rõ cơ sở bù lãi suất cũng như thời hạn. Vì bù lãi suất tín dụng đầu tư tới 24 tháng là "quá dài" so với nguyên tắc dùng gói kích cầu là ngắn hạn.
Không riêng chính sách bù lãi suất mà việc kéo dài chủ trương miễn, giảm thuế cũng tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Nếu không được quản lý hiệu quả, sẽ gia tăng gánh nặng nợ nần và hiện tượng đầu cơ nóng với các dự án vay chất lượng thấp.
Ngoài ra, điều này có thể làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay nặng tính bao cấp, thiên về quy mô, tốc độ mà không phát huy vai trò điều tiết thị trường, làm gia tăng tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Ông Phùng Quốc Hiển lo ngại, kích cầu là một "cú hích" vực dậy kinh tế năm nay nhưng đang được kéo dài. Nguy cơ lạm phát đang hiện hữu khi Chính phủ tung ra gói tiền lớn mà chính sách tài khoá, tiền tệ đều được nới lỏng.
Lãi suất cơ bản giảm từ 14% xuống 7%, giảm lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc... sẽ tác động mạnh đến mức cung tiền tệ và có thể đưa nền kinh tế rơi vào vòng: lạm phát, suy thoái, kích cầu, lạm phát...
UB Kinh tế đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận về áp dụng giá điện cao vào giờ cao điểm ban ngày 9h30 - 11h30. Vì đây là thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung, làm tăng giá thành sản phẩm và tăng chi phí sản xuất, không phù hợp với các chính sách của nhà nước giúp DN trong lúc khủng hoảng.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền lưu ý, cần thiết kế khung thời gian cho các hạng mục và đánh giá tiến độ giải ngân.
Trong phần kiến nghị vắn tắt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện dứt điểm gói kích cầu, tránh kéo dài gây ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô trong dài hạn.
Không nên quá lạm dụng chính sách tài khoá mà cần dùng tốt hơn chính sách tiền tệ, hướng tới giảm bao cấp và thực hiện cơ chế thị trường.
"Đẻ" thêm chính sách thì phải giám sát
Đọc kỹ phần giải trình của Chính phủ với nhiều hạng mục mới triển khai gói kích cầu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề xuất, cần rút ngay kinh nghiệm triển khai các chương trình, dự án quốc gia lớn để tránh thất thoát, lãng phí trong lúc Nhà nước đang chắt chiu từng đồng.
"Nhà nước có chính sách 160 cho các xã biên giới. Đi đến các nơi, chính quyền đều nói đã nhận tiền rồi, nhưng dùng làm gì thì không rõ. Tôi sợ có sự nhập nhằng với chương trình 135 vì đối tượng của chương trình 160 đương nhiên cũng là đối tượng của 135 rồi", ông Phước nói.
UBTVQH cũng cảnh báo tình trạng cứ "đẻ" thêm nhiều chính sách mà không giám sát, uốn nắn ngay sẽ phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn, khai khống danh sách để lấy tiền hỗ trợ, kéo dài thời gian hưởng hỗ trợ và tăng mức đầu tư.
Đề nghị Chính phủ đánh giá tình trạng lao động phổ thông nhập cư Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, hiện đã xuất hiện tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, không phù hợp với quy định của Việt Nam, gây nhiều bất lợi cho việc giải quyết công ăn việc làm trong nước. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá đầy đủ thực trạng lao động nhập cư, nhất là lao động phổ thông và có biện pháp hữu hiệu thực hiện đúng chính sách, không để gây ảnh hưởng đến thị trường lao động trong nước. |
-
Lê Nhung