- Cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sáng nay (13/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với đề nghị của Chính phủ sửa các Luật: Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Bảo vệ Môi trường.
Một khu chung cư kiểu mẫu ở Hà Nội. Ảnh: LN
Bớt thủ tục
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền cho rằng: Bức xúc lớn nhất là tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, hàng năm số vốn xây dựng cơ bản không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn. "Một trong những nguyên nhân chính, đó là do thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc, rườm rà".
Để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, bức xúc nhất, ông Hiền chỉ rõ, cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Hiện nay, đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đều được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế về cơ bản thống nhất với Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung của những Luật này.
Nội dung sửa đổi bổ sung các điều khoản của Luật xây dựng quy định và thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đồng thời với thẩm định dự án và do người có thẩm quyền quyết định tự chịu trách nhiệm, chỉ khi cần thiết mới xin ý kiến các cơ quan liên quan, cho phép giảm bớt thủ tục không cần thiết so với các quy định trước đây.
Để đầu thầu không còn là "hình thức"
Về một số sửa đổi bổ sung trong Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế tán thành chủ trương phân cấp mạnh hơn trong đấu thầu cho chủ đầu tư, đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra giám sát, xử phạt của người quyết định đầu tư, nhằm rút ngắn thời gian trong đấu thầu và gắn trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư đối với chất lượng và tiến độ của dịch vụ tư vấn, hàng hóa và công trình.
Đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về cách đầu thầu trên thực tế hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng: “Đấu thầu lâu nay rất hình thức”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: "Lâu nay, trong đấu thầu luôn có sự móc nối và thao túng giữa các bên tham gia. Làm thế nào để hạn chế được thực tế này?"
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ làm rõ “tính chất bí mật quốc gia” hay “dự án bí mật quốc gia” của gói thầu được phép chỉ định thầu. Vì nếu không làm rõ thì rất dễ bị lợi dụng tùy tiện.
-
Cao Nhật