221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1199808
Phiên tòa Paris thắp niềm tin mạnh mẽ về công lý
1
Article
null
Phiên tòa Paris thắp niềm tin mạnh mẽ về công lý
,

 - Phiên tòa công luận tại Paris hôm nay tiếp tục đề cập đến trách nhiệm các công ty hóa chất Mỹ. Dẫu có thể sẽ không có đại diện của phía bị đơn tham dự, nó vẫn thắp niềm tin mạnh mẽ về công lý. 

Hôm nay (15/5) tại Paris, Pháp, Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế mở phiên tòa xét xử các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Chuyện hộp nến màu cam 

Phiên tòa do Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế xét xử thực hiện theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên tòa có 3 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 3 chuyên gia khoa học, 2 luật sư.

Tuy nhiên, phiên tòa xét xử có thể sẽ không có đại diện phía bị đơn là các công ty hóa chất Mỹ.  

Lần đầu tiên đến Việt Nam, Mizo, một cậu bé học phổ thông người Đức mang theo món quà do cậu mua bằng tiền tích góp cùng những người bạn học cùng trường. Món quà là những hộp nến màu cam nhỏ.

Lúc đó, những vị khách ở Làng Hữu Nghị Vân Canh, Từ Liêm, nơi đang nuôi dưỡng những cựu binh và nạn nhân da cam, không hiểu vì sao mỗi người được cậu bé đặt tận tay hộp nến màu cam nhỏ đó.

Mizo đứng trên bục hội trường, khoát tay xin giữ yên lặng và đề nghị mọi người cùng cậu thắp hết những ngọn nến màu cam mang trên tay. Cậu muốn những ngọn nến thắp lên như thắp niềm tin trong mỗi người về sự sống yên ổn, về niềm tin cùng nhau đem lại những điều tốt đẹp, hy vọng cho số phận không may mắn của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. 

Ít nhất 5 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam, Mizo đã cùng mẹ trở lại Việt Nam nhiều lần để thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại Làng Hữu Nghị Vân Canh, Từ Liêm, nơi bố của cậu, George Miro, cựu chiến binh Mỹ đã cùng các cộng sự sáng lập dự án nuôi dưỡng các cựu binh và nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Chỉ không lâu sau khi Tòa án tối cao Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế, theo sáng kiến của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, đã quyết định mở phiên tòa xét xử các công ty này. 

Những chiến dịch đấu tranh đòi công lý giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam vẫn tiếp diễn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bắt đầu hôm nay (15/5), phiên tòa ở Paris, dẫu có thể sẽ không có đại diện của phía bị đơn tham dự nhưng trong ý nghĩa lớn nhất, thắp niềm tin mạnh mẽ về công lý. 

Phiên tòa công luận của Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế tiếp tục đề cập đến trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ, bỏ thêm một lá phiếu khẳng định trách nhiệm cần thiết trong việc giải quyết hậu quả nặng nề và kéo dài do cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam.

Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ trước đó của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam theo đuổi hơn 5 năm đã kết thúc về mặt pháp lý. Nhưng những chiến dịch đấu tranh đòi công lý giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam vẫn tiếp diễn.

Niềm tin công lý

GS.TS Trần Xuân Thu, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nhận định: "Vụ kiện đã thắng lợi về mặt nhân văn trong việc đánh động dư luận quốc tế, trong đó có dư luận Mỹ, về tác hại của chất độc dioxin đối với môi trường và con người ở Việt Nam".

Vụ kiện đã được biết đến trên tất cả châu lục khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của đông đảo cộng đồng quốc tế. Luật sư đại diện cho quyền lợi của các nạn nhân da cam/dioxin, ông Jonathan Moore đồng tình rằng nhờ vụ kiện, các phong trào quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đã phát triển rộng rãi.

Giống câu chuyện của cậu bé Mizo, khi không thắp niềm tin, sẽ không thể hy vọng, cũng như không cảm nhận được trái tim chỉ lối cho những hành động.

Phong trào ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt Len Aldis khởi xướng cùng thời điểm với vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ - năm 2004. Với lời thỉnh cầu trên mạng kêu gọi ký tên vì công lý cho các nạn nhân, đến nay ông đã thu thập được hàng trăm nghìn chữ ký ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới. Và lúc này, ông Len Aldis vẫn mong muốn danh sách chữ ký ủng hộ nối dài.

Trong thư gửi Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, là những người có cuộc sống đang khó khăn nhất". Đại tướng mong phong trào ủng hộ về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ không ngừng phát triển.

Niềm tin vào công lý vẫn tiếp tục để 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có cơ hội cải thiện số phận không may mắn do chiến tranh hóa học nhào nặn thành. 

3 nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam tham dự phiên tòa tại Paris:  

 
Hồ Ngọc Chu (Quảng Ngãi)

Tham gia kháng chiến ở chiến trường khu 5 từ năm 1960 đến 1964, ông Chu kể đã chứng kiến máy bay Mỹ rải chất độc hóa học khắp dãy Trường Sơn và một số vùng phía tây các tỉnh đồng bằng Quảng Ngãi và Quảng Nam, nơi ông hoạt động.

Ông Chu đã từng trực tiếp đứng dưới tầm máy bay rải chất độc 4 lần và 1 lần nặng nhất bị chất độc phun ướt cả thân người.

Sau chiến tranh, khi Chính phủ có chính sách trợ cấp những người bị nhiễm chất độc hóa học, ông Chu đã làm thủ tục khám sức khỏe và được xác định mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo như viêm da, ngứa toàn thân, thoái hóa cột sống lưng và cổ, u xơ tiền liệt tuyến, rối loạn tiền đình...

Đời sống nhiều khó khăn, lương hưu ít ỏi, nhưng ông Chu vẫn phải lo toan thuốc men chữa bệnh, vừa nuôi con cũng bị ảnh hưởng chất độc hóa học di truyền. 

Mai Giảng Vũ (TP.HCM) 

 
Ông Vũ tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa từ tháng 6/1968 đến tháng 2/1974. Trong thời gian chiến tranh, ông đã tham gia thả các hóa chất khai quang xuống Lộc Ninh, Phước Long, Quảng Ngãi, Long An.

Ông Vũ có 3 người con sinh ngay trước và sau chiến tranh kết thúc nhưng đều đã qua đời do chứng teo cơ. Bản thân ông được y tế quận 11 (TP.HCM) chẩn đoán xác định mắc bệnh viêm mũi, họng.

Trước chuyến đi, ông Vũ nói không chỉ riêng bản thân ông, nhiều gia đình thuộc quân đội cũ mà ông biết có con, cháu bị nhiễm chất độc dioxin nhưng mặc cảm không dám khai báo.

Phạm Thế Minh (Hải Phòng)  

 
Thuộc thế hệ sinh sau chiến tranh (1975), anh Phạm Thế Minh bị ảnh hưởng di truyền bởi chất độc hóa học từ cha, mẹ. Khi sinh ra, Minh đã bị teo cơ cả hai chân, sức khỏe yếu, không đi lại được, còn em của Minh bị mắc bệnh tim, phổi.

Tháng 8/2000, Minh được chẩn đoán và xác định bị nhiễm chất độc da cam. Sức khỏe của Minh mỗi ngày một yếu, mắc thêm các chứng bệnh viêm gan, viêm phổi mãn, suy tim và đau đầu thường xuyên.

"Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, phải thường xuyên chiến đấu với bệnh tật, tiêu tốn tiền của, tinh thần suy sụp, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cá nhân, học tập và lao động", Minh nói trước giờ lên đường sang Paris.

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>