- "Luật sư phải được tranh tụng bình đẳng với viện kiểm sát từ lúc khai mạc phiên tòa cho tới trước lúc nghị án. Hội đồng xét xử chỉ đóng vai trò là trọng tài nêu vấn đề và lắng nghe tranh luận của hai bên", tân Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Lê Thúc Anh, nguyên Phó Chánh án TANDTC trao đổi với VietNamNet.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư: Vị trí chỗ ngồi tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa đối với việc nâng cao vị thế của luật sư. Ảnh: Cao Nhật |
Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của luật sư hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng, đặc biệt trong quá trình tố tụng, tham gia xét xử các vụ án?
Vấn đề này so với trước đây đã tiến bộ nhiều, tuy nhiên cũng còn hạn chế. Chúng tôi sẽ phải kiến nghị để sửa luật trong thời gian tới. Ví dụ, theo Nghị quyết 08 thì hội đồng xét xử chỉ căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra quyết định giải quyết vụ án.
Hiện nay tại các phiên tòa, sau khi thẩm vấn xong, chuẩn bị kết thúc thì viện kiểm sát đưa ra phần luận tội, lúc đó luật sư mới tiến hành tranh luận.
Vì đây là phần rất quan trọng để thẩm tra, xác định lại từng chi tiết mà cáo trạng hồ sơ đã nêu, đồng thời nên gọi phần "xét hỏi" là phần thẩm định tại phiên tòa. Khi tòa thẩm định lại thì viện kiểm sát phải chứng minh, xác định lại từng chi tiết mà cáo trạng hồ sơ đã nêu. Nếu thấy có điều gì chưa ổn, luật sư sẽ có thể chất vấn lại viện kiểm sát.
Chính phần xét hỏi là phần rất quan trọng, thường chiếm tới 70% thời gian của quá trình xét xử. Tôi cho rằng luật sư phải được tranh tụng bình đẳng với viện kiểm sát từ lúc khai mạc phiên tòa cho tới trước lúc nghị án. Hội đồng xét xử chỉ đóng vai trò là trọng tài nêu vấn đề và lắng nghe tranh luận của hai bên.
Về hình thức thì vị trí chỗ ngồi của luật sư trong phòng xử án phải ngang hàng với viện kiểm sát. Điều này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa đối với việc nâng cao vị thế của luật sư trong quá trình tranh tụng tại tòa.
Người tập sự cần được tham gia tranh tụng
Ông từng nói dự định xây dựng trung tâm đào tạo luật sư, nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư trẻ. Cụ thể, Liên đoàn sẽ làm gì?
"Liên đoàn sẽ mạnh dạn đề nghị sửa luật để người tập sự (trước đây gọi là luật sư tập sự) có thể được tham gia tranh tụng tại các vụ án không quá phức tạp". |
Sắp tới đây, ngoài việc cải tiến chương trình nội dung đào tạo, Liên đoàn sẽ đẩy mạnh việc giao lưu với nước ngoài cũng như mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm. Liên đoàn cũng sẽ mạnh dạn đề nghị sửa luật để người tập sự (trước đây gọi là luật sư tập sự) có thể được tham gia tranh tụng tại các vụ án không quá phức tạp.
Đây cũng là điều mà lâu nay nhiều luật sư đã kiến nghị. Luật sư tập sự hiện nay không được tham gia tranh tụng tại phiên tòa, như thế khi hết tập sự, họ được cấp chứng chỉ luật sư, về mở văn phòng mà chưa được thực tiễn tranh tụng tại tòa thì sẽ lúng túng ngay. Tranh tụng tại tòa là một nghệ thuật, phải rèn luyện, tranh luận đối đáp. Quy định như hiện nay sẽ hạn chế chất lượng của luật sư sau khi tập sự.
Ngoài ra, Liên đoàn cũng sẽ kiến nghị về việc mở rộng nguồn bổ sung thẩm phán từ nguồn các luật sư. Hiện tại, nguồn thẩm phán chỉ được chọn chủ yếu từ trong ngành tòa án.
Tại sao chúng ta không có chủ trương hay đưa vào quy định nếu luật sư nào đủ tiêu chuẩn, vẫn có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán?
Liên đoàn cũng chuẩn bị xây dựng và ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp thống nhất. Hiện tại, mỗi đoàn luật sư của mỗi tỉnh, thành phố đang có những bộ quy tắc khác nhau, thời gian tới, Liên đoàn phải thống nhất việc này.
Bản thân ông kỳ vọng đến lúc nào những đề nghị sửa đổi này sẽ được thể hiện vào các văn bản chính thức?
Bản thân tôi cũng như lãnh đạo Liên đoàn sẽ cố gắng đấu tranh cho việc sửa đổi này nhưng kết quả còn tùy thuộc nhiều cơ quan liên quan. Dù thế nào, chúng tôi cũng quyết tâm vì rõ ràng đó là quyền lợi của luật sư.
-
Cao Nhật