221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1202536
Bô-xít, học phí, giá điện- lo lắng cử tri gửi Quốc hội
1
Article
null
Bô-xít, học phí, giá điện- lo lắng cử tri gửi Quốc hội
,

 - Chủ trương khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, dự kiến tăng học phí và cách tính giá điện giờ cao điểm là những vấn đề cử tri muốn đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này. Theo tổng hợp của Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến hôm nay (19/5), đã có gần 2.500 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội.

Cân nhắc tăng giá điện

Quan tâm đến vấn đề khai thác quặng bô-xít ở các tỉnh Tây Nguyên, cử tri cả nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị để vừa xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước, phát triển Tây Nguyên, đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái và môi trường văn hóa.

Vì vậy, người dân mong Quốc hội đưa vào chương trình hàng năm và toàn khoá để giám sát chặt chẽ vấn đề này.

 

Khu vực được quy hoạch làm hồ chứa bùn đỏ của tổ hợp bô-xít Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh do đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cung cấp

 

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng phản ánh việc áp dụng cách tính giá điện theo giờ cao điểm như quy định của Bộ Công thương là chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Người dân đề nghị xem xét lại quy định này theo hướng hạn chế giờ cao điểm ban ngày, tăng số lượng giờ cao điểm ban đêm.

Cử tri cho rằng, tình trạng thiếu điện thường xuyên ở nhiều nơi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Vì thế người dân kiến nghị xem xét lại việc vừa tăng giá điện đồng thời lại giảm chỉ số sử dụng điện ở bậc thang thứ nhất từ 0 - 100 kw/h xuống 0 - 50 kw/h, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng, làm cho người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng.

Cân nhắc thời điểm tăng học phí

Chủ trương tăng học phí trong đề án về cơ chế tài chính trong giáo dục được đưa ra thảo luận gần đây cũng khiến người dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm như hiện nay.

Vì vậy, cử tri mong muốn Chính phủ cân nhắc thận trọng về thời điểm tăng học phí, đồng thời cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và giảm thêm học phí hơn nữa với con em các hộ nghèo và khu vực nông thôn.

Ngoài ra, Chính phủ phải tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập và xã hội hóa các dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới toàn diện chất và lượng của ngành giáo dục; cần coi trọng và lắng nghe những ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục.

Lo ngại nguồn vốn kích cầu

Về chủ trương kích cầu, hỗ trợ lãi suất, người dân phản ánh nhiều nơi thủ tục vẫn phiền hà. Nếu các cơ quan chức năng kiểm soát không tốt thì nguồn vốn này dễ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để vay và sử dụng không đúng mục đích, thu lợi bất chính, trái với chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Theo phản ánh của Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu vay nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng nhà ở của nhân dân khu vực nông thôn và các hợp tác xã rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người có nhu cầu nhưng chưa được vay. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên mở rộng hơn nữa đối tượng được vay, tăng thời hạn được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tổ chức điều tra, khảo sát để có đánh giá khách quan về thực trạng đời sống nhân dân do tác động của suy giảm kinh tế, cũng như thống kê chính xác về lao động thất nghiệp.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,