- Chiều nay (20/5), tại Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục "bác" phương án miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm nay đối với cán bộ, công chức, người kinh doanh có thu nhập trung bình.
"Chỉ có lợi cho người có thu nhập cao"
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định việc miễn, giảm thuế TNCN cho cả năm 2009 sẽ giúp tác động về kích cầu lớn hơn khi số người được miễn thuế lớn (khoảng 2 triệu người), đồng thời vẫn động viên hợp lý vào thu nhập của những đối tượng nộp thuế có mức thu nhập cao.
Trong khi ông Võ Hồng Phúc khẳng định, việc giảm thuế theo tờ trình của Chính phủ sẽ giúp phần lớn cán bộ, công chức, người lao động trong DN và cá nhân kinh doanh có thu nhập ở mức trung bình đều được hưởng lợi từ chính sách này, thì đại diện UB Tài chính - Ngân sách đặt câu hỏi, liệu phương án đó có hợp lý.
Ảnh: VA
Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển phân tích: "Theo luật, thực chất chỉ có những người có thu nhập cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Giảm thuế TNCN sẽ chỉ có lợi cho một bộ phận người có thu nhập cao. Trong khi đó, mục đích miễn giảm thuế TNCN nêu trong tờ trình của Chính phủ là giải quyết khó khăn cho người có thu nhập thấp".
Số lượng người phải nộp thuế TNCN không nhiều, chỉ 300 nghìn người. Vì vậy, việc giảm thuế không mang ý nghĩa xã hội cao, không thực hiện được mục tiêu phân phối lại thu nhập cho người nghèo.
Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, việc miễn, giảm thuế TNCN như Chính phủ trình chưa đảm bảo tính hợp lý trong việc điều tiết thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng việc miễn, giảm thuế TNCN trong thời gian dài sẽ không đảm bảo tính hiệu lực và nghiêm minh của thực thi luật pháp, tạo tiền lệ không tốt trong việc thực thi trách nhiệm tổ chức thi hành luật của Chính phủ.
Vì những lý do trên, UB Tài chính - Ngân sách chỉ đồng ý miễn thuế TNCN với thu nhập từ đầu tư và chuyển nhượng vốn, không tán thành miễn, giảm cho các đối tượng khác 6 tháng cuối năm nay.
GDP 5,5%: Mức lạc quan nhất
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đưa ra đề nghị sẽ điều chỉnh giảm tăng trưởng từ 6,5% xuống còn 5%, kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%, chỉ số giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% năm nay.
Dự kiến thu ngân sách năm nay sẽ giảm từ 29.000 - 63.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu do suy giảm kinh tế, khó khăn do miễn, giảm, giãn thuế, do giá dầu giảm… Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất không điều chỉnh giảm tổng chi ngân sách tương ứng.
Vì thế, mức bội chi có thể phải tăng theo các phương án giá dầu thô, theo đó, tức là từ 4,82% theo dự toán ban đầu (mức thấp nhất, khi giá dầu thô là 70 USD/thùng) tới 8,3% GDP, nếu giá dầu thô là 40 USD/thùng.
“Chính phủ phấn đấu giảm bội chi ngân sách đến mức thấp nhất, trong phạm vi Quốc hội cho phép, giảm dần trong vòng 5 năm (2009-2013), bình quân ở mức 5% GDP, bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cho phép”, ông Phúc cam kết.
Đa số nhất trí với đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, UB vẫn còn những ý kiến khác nhau về mức độ điều chỉnh, trong đó phương án lạc quan nhất là tăng trưởng 5,5%.
Về mức bội chi ngân sách, trong khi Chính phủ đề xuất điều chỉnh từ 4,82% theo dự toán lên mức 8%, thì các thành viên UB Tài chính - Ngân sách lại cho rằng chỉ nên ở mức dưới 7%.
UB Tài chính - Ngân sách cũng khuyến nghị Chính phủ cần phải có giải pháp tích cực để tránh xảy ra lạm phát trong tương lai gần. “Chính phủ cần có giải pháp hướng tới một chiến lược tài chính tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ lạm phát thấp hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Hiển nói.
Cơ cấu lại chi để giảm bao cấp
Đồng ý với Chính phủ rằng cần điều chỉnh tăng mức bội chi, song ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc tăng bội chi phải bảm đảo tăng chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội, hạn chế chi thường xuyên.
“Tăng bộ chi trên 5% GDP chỉ là mang tính ngắn hạn, cấp bách, không nên kéo dài trong nhiều năm, sẽ đe dọa an ninh tài chính quốc gia”, ông Hiển nói.
Trong điều kiện thu ngân sách giảm, cần rà soát lại các khoản chi để chia sẻ gánh nặng về cân đối ngân sách giữa trung ương và địa phương. Cần tăng cường quản lý thu ngân sách, kiểm soát chặt chi tiêu công, cơ cấu lại khoản chi, giảm bao cấp của nhà nước.
“Phải xử lý đồng bộ chính sách tài chính, tiền tệ, khắc phục tình trạng nguồn thu ngân sách giảm sút, nhưng chi ngân sách lại tăng rất mạnh, rất nhanh, khó quản lý”, ông Hiển nhấn mạnh.
Liên quan đến khoản 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bổ sung, Chính phủ nhận được sự đồng tình của UB Tài chính - Ngân sách. Tuy nhiên, UB này lưu ý cần tránh phân bổ vốn phân tán, không hoàn thành dứt điểm để sớm đưa vào sử dụng dẫn tới lãng phí nguồn lực quốc gia.
-
Hoàng Phương