221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1204138
Gộp sổ đỏ, sổ hồng, có cần sửa luật?
1
Article
null
Gộp sổ đỏ, sổ hồng, có cần sửa luật?
,

 - Trong khi Bộ trưởng TN-MT thông báo nội dung gộp sổ đỏ, sổ hồng sẽ được trình QH cho ý kiến sửa đổi trong một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn băn khoăn có cần phải sửa luật, hay chỉ cần thống nhất mẫu sổ.

Một cuốn sổ, nhiều miếng đất

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH trao đổi về vấn đề sổ đỏ, sổ hồng. Ảnh: LN

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng 22/5, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, “chúng ta sẽ đưa vấn đề gộp sổ đỏ, sổ hồng vào trong một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được Quốc hội thảo luận lần này”.

Tới đây, sổ đỏ sẽ được gộp với sổ hồng, dự kiến có kích thước giống như hộ khẩu hoặc cuốn hộ chiếu, không chỉ là một tờ giấy gập đôi như trước.

Trước kia, mỗi sổ chỉ liên quan một miếng đất. Sắp tới, một cuốn sổ, nhiều miếng đất. Nếu miếng đất có nhiều nhà thì cũng được đưa toàn bộ vào sổ.

Trong thiết kế của Chính phủ, cuốn sổ sẽ để 2 trang trắng, ghi chép tất cả quá trình giao dịch liên quan đến thửa đất, những người sở hữu đất và nhà.

“Giống như sổ hộ khẩu, nếu anh đang ở phố A, bây giờ anh cắt, chuyển sang phố B, và nhập phố B, thì sổ hồng sẽ được thiết kế như vậy”, Bộ trưởng cho biết.

Chiều 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Hà Văn Hiền thừa nhận vấn đề này sẽ được thảo luận trong một luật sửa nhiều luật về đầu tư xây dựng cơ bản. “Đây là yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhất là các DN đang rất cần và muốn đẩy nhanh”.

Chưa trình Quốc hội

Nguyên tắc và cách thực hiện đã thống nhất, nhưng hiện Chính phủ chưa trình lên QH, ông Hiền cho hay.

Cá nhân ông Hiền cho rằng, việc gộp sổ là cần thiết. Một giấy có thể có nhiều nội dung: sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác trên đất.

“Đã là tài sản trên đất, tất cả tài sản đều phải được điều chỉnh, nếu không, sẽ khó cho người dân, DN và nhà quản lý”.

Tuy nhiên, nghiên cứu lại luật, có điều khoản khác ghi rõ công nhận hai quyền sở hữu đất và sở hữu nhà, tài sản khác trên đất trong một giấy: Điều 11 của Luật Nhà ở khẳng định giấy sở hữu nhà nhưng nếu nhà gắn liền với đất thì gọi là sở hữu nhà và sở hữu đất. Trong Luật Đất đai cũng ghi rõ là sở hữu đất nhưng nếu có nhà, tài sản gắn liền với đất thì có quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất.

“Cả Luật Nhà ở và Luật Đất đai đều đã khẳng định hai quyền sở hữu trên một giấy rồi, chỉ có điều một chỗ gọi là giấy sở hữu nhà - sổ hồng, một chỗ gọi là sổ đỏ - giấy sở hữu về đất thôi”.

Vì thế, ông Hiền cho rằng “không nhất thiết phải chỉnh luật”.

Dù sao cũng phải đợi Chính phủ trình chính thức rồi sẽ bàn thảo thêm, ông Hiền nói.

Một tháng trước, vấn đề gộp sổ đỏ và sổ hồng đã được Chính phủ chỉ đạo, giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, nhằm mục tiêu đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn quốc.

Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT cùng nghiên cứu xây dựng mẫu giấy chung cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và công trình xây dựng gắn liền với đất báo cáo lãnh đạo 2 Bộ xem xét, thời gian hoàn thành trong tháng 5 này.

Trước đó, Quốc hội đã ra Nghị quyết yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, điều chỉnh chính sách tài chính theo hướng miễn, giảm đóng góp của người dân khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

  • Hoàng Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,