- Luật Di sản Văn hóa sửa đổi lần này chỉ thay mỗi tên "Bộ Văn hóa Thông tin" thành tên Bộ mới. Gọi là "luật sửa đổi" nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề tiếp tục để lại "xin ý kiến", không giải quyết được những yêu cầu đang đặt ra cho việc bảo tồn di sản văn hóa... Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ chiều nay (28/5) về Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Theo ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, tờ trình đã nêu rõ 2 phần: Những nội dung sửa đổi (7 điều) và những nội dung cần nghiên cứu để sửa tiếp.
"Nếu luật sửa đổi nào cũng đặt vấn đề như thế này thì tình hình sẽ thế nào?", ông Tiến hỏi.
ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM) cũng lo âu: "Luật mới chỉ thấy sửa câu chữ, vẫn không thấy yêu cầu với di sản văn hóa".
Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi. Ảnh: LAD
Quan họ, cải lương không thể sống như pop, rock
Giải thích vì sao Luật sửa đổi lần này tiếp tục bỏ quên di sản văn hóa phi vật thể, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho hay, "văn hóa phi vật thể không dễ nhận biết được như đền, chùa. Luật của nhiều nước cũng không phân loại cụ thể".
Theo ông Thi, giới nghiên cứu văn hóa và báo chí mấy ngày gần đây chưa hài lòng vì văn hóa phi vật thể chưa được đưa vị trí xứng đáng trong Luật, mà tất cả các điều khoản chỉ được gom vào một chương rất chung chung.
Việc phân loại thế nào là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh... rất khó có tiêu chí như đối với văn hóa vật thể.
Ban soạn thảo trước đó thậm chí không hề đề cập tới chuyện phải phân loại, nhưng sau khi Ủy ban thuyết phục, đã đưa vào một quy định về danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ủy ban này cho rằng, Luật cần có quy định cụ thể và có hiệu quả hơn về di sản văn hóa phi vật thể, việc di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được Nhà nước có hình thức công nhận, làm cơ sở để lập kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị và làm căn cứ để lập hồ sơ trình UNESCO.
ĐB Nguyễn Huy Cận (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: "Nhã nhạc, cồng chiêng đã được thừa nhận, nhưng còn loại hình khác? Theo dự thảo luật, vẫn chưa nhìn thấy hết trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò tôn vinh làm cho văn hóa phi vật thể trở nên sống động".
Hòa thượng Thích Thanh Tứ (giữa): Gìn giữ cổ vật không chỉ là trách nhiệm của nhà chùa. Ảnh: LAD
Theo ông Cận, Luật mới chỉ dừng lại ở việc Nhà nước tôn vinh người bảo tồn, lưu truyền là người dân.
"Dân ca, quan họ, cải lương không thể sống như pop, rock. Làm sao bán vé bằng show của anh Lam Trường? Nhiều nghệ sĩ muốn trình diễn phải kiếm tiền, rồi có tiền thì tự tổ chức", ông Cận nói.
Lên đồng, xem bói tại di tích lịch sử
Các đại biểu cũng lo ngại trước tình trạng các di tích văn hóa, đền chùa hiện nay vì mục đích bảo tồn đã được tu bổ, sửa chữa nhưng sửa xong thì như mới, mất hết các yếu tố gốc.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ dẫn chứng có những ngôi chùa gỗ sau khi tu bổ xong đã được "thay mới hoàn toàn bằng gạch".
Về điểm này, bà Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) giải thích ngoài nguyên nhân tự ý sửa mà không được phép của chính quyền, còn có lý do người sửa chữa thiếu hiểu biết, không có nghiệp vụ và kiến thức.
Trong khi bảo tồn và trùng tu di tích là lĩnh vực đòi hỏi chuyên ngành sâu thì đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có được một cơ sở đào tạo riêng, bài bản.
Ngay chuyện phân cấp xem ai có quyền tu bổ, sửa chữa cũng còn chưa thỏa đáng. Đại biểu Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) kể lại, thành phố có một di tích của Hội quán người Hoa được công nhận là di tích quốc gia, bị mối mọt đã lâu nhưng mỗi lần làm thủ tục xin phép lên Bộ trưởng phải chờ rất lâu.
Trong khi đó, mối mọt vẫn tấn công hàng ngày, hỏng hóc, xập xệ. Vậy là đành tự khắc phục tại chỗ, trong khi vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ trưởng.
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quãng Ngãi) chỉ ra một hiện tượng khác là di tích lịch sử bị lợi dụng với nhiều mục đích khác nhau như lên đồng, xem bói. Có nơi còn để cả hòm công đức la liệt khắp nơi. Những điều này đi ngược lại thuần phong mỹ tục, cần xem lại đâu là tín ngưỡng chính đáng.
Nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra như có nên thu phí khách tham quan các bảo tàng lịch sử, chuyện người dân đã sống lâu đời ở các khu thành cổ...
Rất nhiều tổ đại biểu chiều nay đã tan họp khá sớm, chưa tận dụng hết thời gian để góp ý cho một dự thảo luật có tính chuyên ngành cao như Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Nhiều vấn đề quan trọng chưa được các đại biểu "để mắt" tới như định nghĩa thế nào về yếu tố gốc của một di tích, phải khoanh vùng bảo vệ di tích như thế nào, không thể "đánh đồng" di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh...
-
Lê Nhung - Xuân Linh