- Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 5 với đại diện các nhà tài trợ sáng 29/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định sẽ đảm bảo cơ chế, luật pháp để người phát hiện tiêu cực, tham nhũng không bị trả thù.
Thưởng người tố giác
Đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và xem xét phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, các nhà tài trợ đồng thời cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của xã hội dân sự và báo chí.
Các nhà tài trợ đánh giá cao việc Việt Nam ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Ảnh: XL |
Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen khuyến nghị: "Cần lấy công chúng làm trung tâm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự sẽ giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu hiệu quả". Trong khi đó, ngoài vai trò của tổ chức xã hội dân sự và báo chí, Đại sứ Anh Mark Kent cũng cho rằng cần phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong phòng, chống tham nhũng.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói Việt Nam cần "tạo sự cân đối giữa việc phòng và chống tham nhũng". Tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để việc phòng hiệu quả cũng như khi thực hiện chống tham nhũng phải có những hành động mạnh mẽ.
Phản hồi ý kiến của WB, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định Chính phủ kết hợp phòng ngừa tích cực và chống kiên quyết. Khi phòng càng quyết liệt thì việc chống sẽ ít đi. Ông cũng cam kết Chính phủ sẽ "đảm bảo cơ chế, luật pháp để người phát hiện tiêu cực, tham nhũng sẽ không bị trả thù cũng như cơ chế khen thưởng cho người tố giác tham nhũng".
Minh bạch trong đấu thầu
Xoay quanh chủ đề cuộc đối thoại lần này về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman cho rằng ngành xây dựng đang có vai trò trung tâm trong sự phát triển của Việt Nam hiện nay với số lượng lớn các dự án và ngân sách. Vì vai trò trung tâm nên tham nhũng trong ngành này có thể "đặc biệt nguy hại".
Các nhà tài trợ cho rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò của xã hội dân sự, báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Ảnh: XL |
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng thừa nhận tham nhũng trong xây dựng cơ bản "rất phức tạp, thất thoát khá lớn". Không chỉ khu vực Nhà nước mà cả khu vực tư nhân đều dễ nảy sinh tham nhũng, thất thoát. Do đó cần thực hiện phòng, chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản cả ở hai khối: Nhà nước và tư nhân.
Theo Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ Phạm Văn Khanh, , trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sai phạm thường xảy ra ở các khâu như xác định mục tiêu dự án không chính xác gây lãng phí lớn, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác dẫn đến sơ hở trong quá trình thực hiện, tình trạng lập, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán chưa chặt chẽ....
Lý giải hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng hiện chưa cao, ông Nguyễn Xuân Nhật, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân chủ yếu do năng lực của ban quản lý dự án. Ngoài ra, cơ chế giám sát chưa rõ ràng và chưa quy định cụ thể các chế tài xử phạt các hình thức vi phạm trong quản lý các dự án.
Tại buổi đối thoại, nhiều đại diện các nhà tài trợ quan tâm đến các vấn đề trong thủ tục đấu thầu dự án xây dựng hiện nay. Các ý kiến khuyến nghị cân nhắc Việt Nam hoặc thiết lập bên đấu thầu thứ 3 hoặc thực hiện cạnh tranh đấu thầu trong các dự án, đảm bảo minh bạch, giám sát dự án hiệu quả.
Về tiến độ xử lý vụ việc có liên quan tới công ty PCI của Nhật Bản, đầu tháng 5/2009, cơ quan tư pháp Việt Nam đã nhận được nhiều tài liệu từ phía Nhật Bản để phục vụ cho việc chứng minh, làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả - nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đang tích cực xem xét các tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra. |
-
Xuân Linh