221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1206904
Học phí phổ thông không được vượt quá 5% thu nhập
1
Article
null
Học phí phổ thông không được vượt quá 5% thu nhập
,

 - Thẩm tra báo cáo về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại Quốc hội sáng nay (30/5), UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH đã bác đề xuất thu học phí bậc mầm non và phổ thông ở mức 6% thu nhập hộ gia đình.

"Luôn khả thi"

Trong phần trình bày của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nguyên tắc đảm bảo học phí sẽ "không phải là gánh nặng" tài chính đối với gia đình, thậm chí "luôn khả thi".

Mức nói trên, theo ông Nhân, là "phù hợp với mức bình quân của các nước". Dựa theo mức bình quân 6%, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định mức học phí cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tăng học phí song vẫn băn khoăn giám sát chất lượng giáo dục. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Để có nhiều trẻ đi học được và nâng cao chất lượng giáo dục, không nên chỉ trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, mà các hộ dân cần đóng góp tiền theo khả năng của mình", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Bác mức đề xuất 6%, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, Đào Trọng Thi cho hay ở các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm 1,9 - 7,95% thu nhập bình quân hộ gia đình, còn ở các nước phát triển, con số này giao động từ 2% đến 10%.

Nhấn mạnh Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp, ông Thi nói việc áp dụng mức 6% là mức chi trả "khá cao", "không phù hợp thực tế thu nhập" của các hộ dân hiện nay. 

     "Không bị chế tài gì"

"Một trong những bất hợp lý của cơ chế tài chính giáo dục hiện nay, đó là người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu sử dụng kinh phí giáo dục không hiệu quả, không quan tâm thỏa đáng đến yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, hầu như không bị chế tài gì.

Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nếu phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục không hợp lý, không giám sát được hiệu quả chi cho giáo dục, thực tế hầu như không bị chế tài gì.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Mặt khác, ông Thi cho rằng, ghép "các khoản chi cần thiết khác" mà gia đình học sinh tự chi tiêu chung với học phí người học phải đóng cho cơ sở giáo dục là "không rõ ràng", dễ dẫn đến "vận dụng tùy tiện" khi xác định mức học phí cụ thể.

Ủy ban đề nghị tách riêng học phí và quy định khoản này không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình để giảm bớt phần đóng góp của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho HĐND cấp tỉnh chủ động quyết định mức thu học phí cụ thể.

Trần học phí ĐH: 230.000 đ/tháng

Thẩm tra đề xuất tăng học phí đào tạo theo lộ trình nhằm khắc phục chi phí đào tạo quá thấp, đồng tiền trượt giá, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH chấp nhận năm học 2009 - 2010 tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp.

Cụ thể, tăng mức trần học phí  ĐH từ 180.000 đồng/tháng lên 230.000 đồng/tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần ĐH), cao đẳng nghề từ 120.000 đồng/tháng lên 155.000 đồng/tháng. Bắt đầu từ năm học 2010 - 2011 sẽ thực hiện theo lộ trình của Đề án sau khi điều chỉnh và được phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi - cựu Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội lo ngại: "Sau khi áp dụng chế độ học phí mới và khung học phí mới trong các cơ sở giáo dục công lập, dễ xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là hệ cao đẳng, ĐH)".

Ủy ban cho rằng nên công bố mức "trần" học phí đối với chương trình giáo dục đại trà tại các cơ sở này để tránh thu học phí tùy tiện. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Mục tiêu là hỗ trợ người nghèo  

Sẽ có giám sát, kiểm định chất lượng giáo dục các cấp. Ảnh: LN

Thưa Bộ trưởng, Đề án có đảm bảo tỷ lệ bỏ học ở vùng sâu vùng xa giảm không?

Chắc chắn, bởi người dân vùng khó khăn được quan tâm hơn.

Từ xưa đến nay có chính sách miễn học phí nhưng Đề án mới xác định cả những điều kiện tối thiểu liên quan đến học tập như mua sách vở, giày dép, đồng phục...

Trước đây, khái niệm các khoản chi phí cần thiết khác cho học tập không được chú ý. Giờ trước khi đóng tiền học phải hỏi xem có đủ tiền mua cái khác không, mua cái khác còn dư mới đóng, không dư thì không đóng. Cái dư đó thì cũng có ý kiến sợ không kiểm soát được.

Nhưng cũng chỉ có 5 - 7 mục như sách giáo khoa, vở và sách bút, cặp, áo mưa, giày dép, quần áo đồng phục, tiền gửi xe đạp. HĐND mỗi tỉnh tính toán được các khoản này ở địa phương là bao nhiêu. Đề án làm tổng quát thôi, địa phương làm được, không sợ xác định sai. Mục tiêu của Đề án là người nghèo được hỗ trợ nhiều hơn. 

Còn có băn khoăn giữa việc tăng học phí và chất lượng, làm sao để tương xứng với nhau trong khi việc công khai, kiểm định chất lượng giáo dục hiện chưa tốt?

- Không phải là chưa tốt mà làm còn yếu vì chưa có quy định chính thức về công khai và kiểm tra chất lượng. Đề án đổi mới lần này có quy định trách nhiệm kiểm tra chất lượng giáo dục của các cấp, các bộ, phòng giáo dục, nhà trường... Các nhà trường cũng phải công khai mục tiêu chất lượng giáo dục của trường cũng như công khai, minh bạch về chi tiêu tài chính. Hàng năm phải trả lời thực hiện đến đâu.  

Người dân sẽ có quyền lựa chọn. Chính áp lực xã hội sẽ giúp các trường công khai chất lượng giáo dục. Ở khối ĐH, đã có 20 trường đánh giá cả bên trong và bên ngoài. Hơn 200 trường đang đánh giá bên trong và đến năm 2010 phải xong. Nhưng cơ quan kiểm định ngoài Cục khảo thí của mình vẫn chưa có.

Bộ đang có lộ trình hình thành 3 trung tâm, có thể sử dụng trung tâm của ĐH Quốc gia ở 3 vùng. Sẽ tổ chức lớp đào tạo cán bộ, mời các chuyên gia kiểm định quốc tế giảng dạy và cấp chứng chỉ. Một mình Cục khảo thí không thể kiểm định được 369 trường ĐH.

Đánh giá bậc phổ thông cũng phải có cơ quan chuyên trách. Về giáo dục mầm mon, đại diện nhân dân ở cơ sở giám sát chính xác nhất.

  • X.L - L.N ghi
  • Xuân Linh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>