- Thảo luận về sửa đổi Luật Di sản văn hóa, nhiều tổ đại biểu đã tan họp sớm. Điều đáng tiếc là các đại biểu đã không quan tâm nhiều đến những góp ý tâm huyết của cử tri là các nhà khoa học.
Tan họp sớm
Chiều 28/5, theo lịch, Quốc hội dành cả buổi chiều cho việc thảo luận tổ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Nhưng thực tế, rất nhiều tổ đã tan họp sớm.
Không phải nội dung nào cũng được đại biểu QH bàn thảo sôi nổi như thế này. Ảnh: VA
Có hai cách để hiểu sự kết thúc trước giờ này. Hoặc, các đại biểu cảm thấy Luật sửa đổi đã ổn rồi, có sửa nhiều so với Luật lần trước đâu, góp vài ý kiến là xong, về sớm nghỉ ngơi để dành sức cho những buổi sau. Hoặc, các đại biểu không biết góp ý gì thêm, bởi đây là một dự thảo luật có tính chuyên ngành cao.
Khả năng thứ nhất không xảy ra, như chính ý kiến của một số đại biểu đã nói. Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến băn khoăn chuyện luật chỉ sửa 7 điều và đưa ra nhiều nội dung cần nghiên cứu để sửa tiếp: "Nếu luật sửa đổi nào cũng đặt vấn đề như thế này thì tình hình sẽ thế nào?".
ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM) cũng lo âu: "Luật mới chỉ thấy sửa câu chữ, vẫn không thấy yêu cầu với di sản văn hóa".
Qua các phương tiện truyền thông, các chuyên gia hàng đầu đã góp ý rất tâm huyết, từ những góp ý về mặt "nhận thức" đến chỉ dẫn đi vào chi tiết cụ thể của từng điều luật. GS Phan Huy Lê không né tránh khi đánh giá "quá trình chuẩn bị Luật thiếu dân chủ, không chu đáo nên công việc chỉnh sửa quá bị động, gấp gáp và theo tôi, văn bản trình ra Quốc hội vẫn còn một số điều cần được các đại biểu nghiên cứu, thảo luận kỹ trước khi thông qua".
Việc ban soạn thảo không lấy ý kiến các nhà khoa học (mà chỉ lấy ý kiến các UBND các tỉnh, thành và các Sở VH-TT-DL trong hệ thống ngành dọc) đã khiến dự thảo mắc những lỗi "nặng", như việc định nghĩa yếu tố gốc của di tích gồm cả những yếu tố "được bổ sung trong quá trình tu bổ, phục hồi" di tích mà không xác định giá trị và nhất là không giới hạn về thời gian; hay việc luật "vẽ đường cho hươu chạy" khi quy định mở: "Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình ở khu vực bảo vệ I phải được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó".
Phần nội dung về bảo tồn, tôn tạo di tích được tập trung nhất trong lần sửa đổi này mà vẫn còn lỗi, nên không khó hiểu khi những phần nội dung khác của Luật còn có nhiều khiếm khuyết hơn.
Chưa nghe chuyên gia
PGS Nguyễn Văn Huy chỉ rõ rằng định nghĩa về bảo tàng của Luật Di sản "quá lạc hậu so với nhận thức chung của thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 15 - 20 năm qua", các chức năng giáo dục, trình diễn... "hoàn toàn không được nhắc đến", đối tượng của bảo tàng vẫn vỏn vẹn chỉ là "lịch sử tự nhiên và xã hội" như giữa thế kỷ 20.
PGS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học kể chuyện vì Luật còn bất cập, nên nhiều nhà xây dựng nếu đào thấy có di tích di vật thì mang máy xúc đổ khẩn trương (bất chấp đó là di sản của tổ tiên) vì sợ "nếu để mấy ông khảo cổ đụng vào thì rách việc lắm, có khi không làm được đâu".
GS Tô Ngọc Thanh thì tha thiết đề nghị những sửa đổi rất chi tiết trong các điều khoản về di sản văn hóa phi vật thể, bởi trong Luật cũ, đó chỉ là những "Nhà nước khuyến khích", "Nhà nước tạo điều kiện" rất chung chung.
Đã có ít nhất hai thư của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kiến nghị chính thức gửi thẳng đến cho các ĐBQH. Nhiều ý kiến đề xuất thẳng thắn rằng chưa nên thông qua Luật sửa đổi lần này để "thêm thời gian cho Ban soạn thảo phối hợp với các nhà quản lý và chuyên môn nghiên cứu, bổ sung đầy đủ hơn, hợp lý hơn" (PGS Tống Trung Tín), "vì đưa vào thực tế sẽ bộc lộ rất nhiều hạn chế được dự đoán trước" như lời GS Phan Huy Lê.
Thế nhưng, theo dõi những trao qua đổi lại trong thảo luận tổ, mới thấy tiếc vì các đại biểu đã không quan tâm nhiều đến những góp ý tâm huyết của cử tri là các nhà khoa học, và vì vậy, vẫn chưa chạm đến những vấn đề cốt lõi.
Chuyện có nên thu phí khách tham quan bảo tàng lịch sử được đặt ra, trong khi không ai chất vấn việc bảo tàng phải đổi mới thế nào để có thể thành điểm hẹn văn hóa của một thành phố, để không phí tiền Nhà nước cho một nơi trưng bày buồn tẻ, khô cứng, cũ kỹ.
Vẫn biết, đại biểu Quốc hội phải chịu áp lực rất lớn, khi trong một tháng, phải thảo luận, cho ý kiến về vài chục dự luật với những chuyên môn khác nhau. Thế nhưng, những người yêu và trân trọng di sản trông chờ vào quyết định sáng suốt của họ. Và sẽ không thể có những quyết định sáng suốt, nếu các đại biểu không biết "chọn" để lắng nghe cử tri.
-
Khánh Linh