- Theo phó Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh Nguyễn Thị Bạch Mai, điều khó nhất ở đại biểu Quốc hội là có dũng khí, bản lĩnh để không ngại va chạm. Bà Bạch Mai, đại biểu từ khóa XI, cũng là người đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu năm ngoái vì ba lần đứng lên "truy" đến cùng 3 vị bộ trưởng về trách nhiệm quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Là người có "thâm niên nghị trường" từ khóa 11, bà Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng các kỳ họp khóa 12 tuy có lúc không khí tranh luận ít sôi động hơn nhưng chất lượng phát biểu, đặc biệt từ ĐB trẻ, ĐB là phụ nữ, ĐB địa phương có tiến bộ.
"Không khí thảo luận sôi nổi hay trầm lắng là do nội dung, sự điều hành của chủ tọa, phong cách của ĐB chứ không phải do trình độ ĐB. Có thể không có không khí bề nổi nhưng có chiều sâu".
"Phải có chỗ để phòng thủ từ xa chứ"
Có ý kiến cho rằng ĐB ở nước ta được bầu do cơ cấu chứ không phải từ các lá phiếu thực sự của cử tri nên trong toàn nhiệm kỳ và từng phiên họp chưa nỗ lực để thể hiện hết trách nhiệm. Bà nghĩ gì trước quan điểm này?
QH với cơ chế đại diện, ĐB được cấu tạo từ nhiều thành phần, đại diện cho nhiều tầng lớp. Cơ chế như hiện nay là phù hợp. Quan trọng là phải nâng cao chất lượng, trình độ ĐB.
Bà Bạch Mai chất vấn 3 vị Bộ trưởng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại kỳ họp thứ 4. Ảnh: TS
Một điều khó nhất hiện nay ở ĐB là có dũng khí, bản lĩnh để không ngại va chạm, nói được những vấn đề cử tri bức xúc. ĐB các nước chuyên nghiệp 100%, xem đó là một cái nghề, sống chết với nó.
Còn làm ĐB ở ta, có thể nhiệm kỳ này tôi ở khóa này, nhưng nhiệm kỳ sau tôi được phân công việc khác.
Họ phải có chỗ để phòng thủ từ xa chứ.
Bản lĩnh thì phải được trui rèn và trở thành kỹ năng cơ bản. Hoạt động một khoá rất nhanh, qua nửa nhiệm kỳ bắt đầu biết cách hoạt động thì đã hết thời gian.
Vậy là nếu không tận dụng thời gian, thì một nhiệm kỳ qua nhanh mà ĐB chưa kịp để lại dấu ấn gì?
Điều quan trọng là cố làm những gì mang lại lợi ích cho dân, dù nhỏ nhất qua hoạt động cụ thể. Nhưng ĐB thường không có thời gian và nhất là thông tin để tỏ rõ chính kiến.
Như vấn đề liên quan đến KT - XH, gói kích cầu... những con số đưa ra làm thế nào để phân tích, đánh giá một cách xác thực? Có khi con số Chính phủ khác, báo cáo thẩm tra UB khác.
Vậy có tìm ra được con số thực và biểu quyết trên cơ sở đó không? Như khai thác bô-xít, nhiều ĐB nói thiếu thông tin là vậy.
Các cơ quan của Chính phủ, QH cần cung cấp thông tin kịp thời, gửi tài liệu trước 20 ngày chứ không phải đến tận kỳ họp mới nhận. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban cũng nên chọn lọc xem vấn đề nào cần thiết gửi ĐB nghiên cứu.
"Điều quan trọng là cố làm những gì mang lại lợi ích cho dân, dù nhỏ nhất qua hoạt động cụ thể. Nhưng ĐB thường không có thời gian và nhất là thông tin để tỏ rõ chính kiến".
Ngoài ra, cần cơ chế tài chính thuận lợi cho ĐB tham vấn chuyên gia.
Có nhiều ĐB tự bỏ tiền túi để hỏi chuyên gia không?
Tôi chưa biết ĐB nào có điều kiện đó. Còn tôi luôn tranh thủ công việc, dự nhiều hội thảo để tham khảo ý kiến chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, những vấn đề đang là quan tâm của cử tri hoặc đang có tác động lớn.
Điều kiện hiện nay đòi hỏi ĐB phải năng động, sắp xếp thời gian linh hoạt để chủ động tìm thông tin và được tư vấn “miễn phí”. Nhiều ĐB tâm sự, mỗi lần đi họp mà không phát biểu gì cũng áy náy với cử tri.
Nhưng có vị cựu ĐB Quốc hội từng đếm được rằng có những người suốt nhiệm kỳ không bao giờ phát biểu một lần nào. Bà nghĩ sao?
Tôi nghĩ thế này, trong QH cũng có tình trạng ĐB ở cấp ngành hay lãnh đạo địa phương có thể e ngại vì liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách hoặc lợi ích cục bộ địa phương, nhưng số này không nhiều.
Quan trọng là áp lực thời gian. Có lần tôi bấm nút rất sớm nhưng vẫn không kịp phát biểu, đành gửi văn bản.
"Đại biểu phải bắt nhịp"
Thời gian mỗi kỳ họp đang được rút gọn, làm việc cả thứ bảy. Nhưng theo bà, việc bố trí thời gian cho các nội dung đã hợp lý chưa? Như thảo luận kinh tế xã hội thì có gần 20 người đăng ký nhưng không đủ thời gian. Ngược lại, có những phiên họp tổ về một số luật chuyên ngành, thì nhiều đoàn họp lúc 14h mà 14h30 đã tan vì không ai có ý kiến gì, như vậy có phải một sự lãng phí?
Thảo luận trên hội trường về KT - XH cần thay đổi. Vì đã thảo luận ở tổ mà lên hội trường nếu cũng nói lại như vậy, chưa kể mỗi người có một bài chuẩn bị sẵn thì nhàm chán.
Nhiều ĐB tâm sự, mỗi lần đi họp mà không phát biểu gì cũng áy náy với cử tri. Ảnh: LN |
Tôi đề xuất, UBTVQH sau phiên họp tổ, bóc tách ra vấn đề còn ý kiến khác nhau để khi thảo luận ở hội trường, làm rõ chính kiến và xen vào đó là giải trình của cơ quan liên quan.
Khi điều hành, nếu một số vấn đề đã chín muồi, thì chủ tọa có thể yêu cầu ĐB tập trung vào những điểm còn khác nhau, không phải chuẩn bị gì nói nấy.
ĐB sẽ nói thẳng vào vấn đề lớn đang tranh cãi, nêu chính kiến trước khi bấm nút.
Nhưng thực tế có những phiên thảo luận, dù chủ toạ đã định hướng nên tập trung vào 3 vấn đề chính thôi, thì nhiều ĐB vẫn nói "do đã chuẩn bị" nên tiếp tục đọc bài phát biểu cũ?
Không khí tranh luận còn lệ thuộc vào sự điều hành và bắt nhịp của ĐB.
Hai bên mà không bắt nhịp với nhau thì cuộc thảo luận sẽ dàn trải, trùng lắp. Kinh nghiệm nhỏ của tôi là chọn một số vấn đề quan tâm sẽ phát biểu, định sẵn vài ý.
Nếu đã có ý trùng thì không nêu lại, có thể tranh luận với các ý kiến trước hoặc tỏ thái độ đồng tình để làm tăng thêm sức mạnh của vấn đề, tạo sự đồng thuận.
"Bỏ phiếu tín nhiệm: Luật không bật đèn xanh"
Tham gia QH từ khoá 11, theo bà, còn điều gì ở kỳ họp mà luật cho phép nhưng QH chưa làm?
Bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ĐB muốn áp dụng quy định này nhưng cơ chế không cho phép, vì để cần đủ 20% ĐB đồng ý thì ai là người khởi xướng? Luật không hướng dẫn cách làm, không bật đèn xanh nên khó thành hiện thực.
Vậy khi có vấn đề đang mâu thuẫn, nếu một ĐB đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm thì liệu QH có lấy phiếu xin ý kiến không? Điều này không chỉ phụ thuộc năng lực, bản lĩnh ĐB mà còn phải có cơ chế đảm bảo.
Trở lại với kỳ họp trước, bà là người 3 lần đứng lên chất vấn Bộ trưởng Y tế để làm rõ ai là người chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Giả sử là Giám đốc Sở Y tế thì bà có quyết liệt như vậy không?
Nếu là lãnh đạo trong ngành, tôi nghĩ việc chất vấn chất vấn thủ trưởng để làm ngành mình mạnh hơn là việc cần làm vì “trong chăn mới biết có rận”, miễn là không lợi dụng diễn đàn vì mục đích cá nhân. Nếu tâm trong sáng và xây dựng thì không e ngại.
Có điều, một số ít người vẫn còn gì đó e ngại gây khó khăn cho địa phương hay cho cá nhân nên dè dặt. Nếu đó là sự thật thì sẽ là cản trở cho quá trình xây dựng đất nước, tổn thương hình ảnh ĐB của dân.
-
Lê Nhung