- "Chất da cam từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm đối với cả hai nước... Hai bên đã có sự hợp tác thiết thực và mang tính xây dựng", Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel phát biểu tại phiên điều trần về da cam/dioxin tại Hạ viện Mỹ ngày 4/6.
"Chất da cam là vấn đề nhạy cảm đối với hai nước". Ảnh: LAD
Ông Scot Marciel cho hay kể từ lần điều trần trước tại Uỷ ban về chất da cam của Hạ viện Mỹ tháng 5/2008, hai bên đã đạt được những bước tiến lớn, tiến về phía trước trên bình diện rộng lớn của rất nhiều lĩnh vực, đối thoại một cách thẳng thắn, kể cả về những vấn đề mà hai bên chưa đạt được sự đồng thuận.
"Chất da cam từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm đối với cả hai nước. Hai bên có khác biệt trong việc đánh giá tác động dài lâu của chất diệt cỏ đối với Việt Nam. Tôi rất hài lòng được nói rằng hiện nay, hai bên đã có sự hợp tác thiết thực và mang tính xây dựng", Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
Ông nói cả Mỹ và Việt Nam đều đồng ý rằng sức khoẻ của người dân Việt Nam và sự an toàn của môi trường là điều tối quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Với hỗ trợ từ các khoản ngân sách bổ sung do Quốc hội phê chuẩn, hai nước đang tiếp tục các nỗ lực hợp tác giúp Việt Nam giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và các vấn đề về sức khoẻ.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong khoản bổ sung 3 triệu USD trong tài khoá 2009 dành cho các hoạt động da cam/dioxin ở Việt Nam, hai bên sẽ sử dụng xấp xỉ 1 triệu USD để trợ giúp thêm cho các hoạt động y tế môi trường và 2 triệu USD còn lại cho các nỗ lực khắc phục môi trường.
Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau về vấn đề ô nhiễm dioxin từ năm 2001. Theo ông Scot Marciel, đến nay, hợp tác về vấn đề này đã có quy mô rộng lớn hơn cuộc đối thoại giữa hai chính phủ.
Cùng phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, tại Washington cũng diễn ra cuộc họp của Nhóm đối thoại Mỹ - Việt về da cam/dioxin. Tháng 9 tới, tại Hà Nội, sẽ diễn ra cuộc họp thường niên lần thứ 4 của Ủy ban Tư vấn hỗn hợp Mỹ - Việt.
Ông Scot Marciel cho hay hai bên sẽ hướng tới phương pháp tiếp cận "cởi mở, hiệu quả, có sự tham gia của nhiều thành phần" đối với việc xử lý các vấn đề liên quan đến chất da cam/dioxin.
Cùng khoản ngân sách 6 triệu USD hỗ trợ phục hồi môi trường và các hoạt động về sức khoẻ liên quan, từ 2001 đến 2007, Mỹ cũng đã dành hơn 2,5 triệu USD giúp Việt Nam xây dựng năng lực nghiên cứu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin.
-
X.Linh