Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị có biện pháp cụ thể để ngư dân yên tâm đánh bắt cá trong vùng biển của VN, đảm bảo đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngay trong mùa cá mà hàng loạt tàu đánh bắt xa bờ vẫn neo cứng bên sông Hàn. Ảnh: SGTT |
Phản đối lệnh cấm
Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, công văn của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ: việc tạm cấm ngư trường của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khai thác hải sản vì hiện nay đang vào vụ cá Nam (là vụ chiếm tới 60% sản lượng cá khai thác cả năm).
Hiện đã có một số trường hợp ngư dân đang khai thác trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam bị tàu thuyền nước ngoài gây cản trở hoặc thu giữ cá, dầu vô lý, gây hoang mang, dẫn đến tâm lý lo sợ không dám đi đánh bắt xa bờ, do vậy tàu thuyền phải nằm bờ, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhiều ngư dân.
Trước những vấn đề trên, Hội Nghề cá VN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin cho ngư dân các tỉnh ven biển nắm bắt được luật và các quy định của VN về bảo vệ và khai thác hải sản trên vùng biển của VN và biết lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở vùng biển Đông, có biện pháp cụ thể để ngư dân yên tâm đánh bắt cá trong vùng biển của VN, đảm bảo đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những trường hợp ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ và gây thiệt hại, đề nghị Chính phủ thông qua con đường ngoại giao để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho ngư dân, can thiệp phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại do Trung Quốc gây ra.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức cho ngư dân khi đi khai thác phải lập thành những tổ đội đánh bắt, đảm bảo trang thiết bị thông tin để thông báo kịp thời những diễn biến trên biển cho bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng biết để có biện pháp giải quyết khi có sự cố xảy ra.
Hội Nghề cá VN thay mặt cho lợi ích của ngư dân VN phản đối phía Trung Quốc cấm đánh bắt, thu giữ phương tiện, bắt giữ ngư dân VN đang hoạt động khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN.
Liên kết để tự cứu mình
Cũng thông tin trên báo Thanh Niên, trong khi chờ đợi một giải pháp bảo vệ ngư dân toàn diện từ các cơ quan chức năng, thời gian qua, ngư dân các tỉnh miền Trung đã biết liên kết lại để tự cứu mình.
Tại Phú Yên, ngư dân liên kết với nhau thành tổ để hỗ trợ nhau trong đánh bắt và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mô hình "Tổ tàu thuyền an toàn" (TTAT) được bộ đội biên phòng Phú Yên làm thí điểm từ năm 2005.
Hiện nay, Phú Yên đã thành lập được 99 "tổ tàu thuyền an toàn" với 900 phương tiện, hơn 10.000 thuyền viên tham gia. Mỗi tổ có từ 10-12 phương tiện với khoảng 55 thuyền viên tham gia.
Trung tá Phan Thanh Thuật - Chính ủy Đồn biên phòng 356 ( Phú Yên) cho biết: "Các tổ TTAT vừa làm nhiệm vụ khai thác đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đồng thời thông tin, hỗ trợ, góp phần tích cực thực hiện tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển". Trung tá Thuật cho biết thêm, các tổ TTAT là "tai mắt" của lực lượng biên phòng trên biển. Hầu hết ngư dân chỉ hoạt động trong ngư trường Phú Yên từ tọa độ 130-140 vĩ bắc, 1090-1100 kinh đông.
Ngư dân Nguyễn Văn Thoại ở thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên), nói: "Trước đây, ngư dân trong thôn ít quan tâm tới nhau, thậm chí còn tranh chấp. Nhưng kể từ khi thành lập tổ TTAT, việc đánh bắt ngoài khơi được các chủ thuyền điện đàm qua lại, trao đổi vị trí cá đi hoặc có sự cố gì thì giúp đỡ qua lại".
"Một thành viên trong tổ xảy ra bất trắc hay bị các tàu thuyền khác uy hiếp thì tất cả thành viên đều biết, đến hỗ trợ. Trường hợp trong đất liền báo bão, anh em trong tổ thông báo cho nhau, hỗ trợ cho nhau trên đường trú bão. Chính vì thế, việc đánh bắt ở ngư trường ngoài khơi rất thuận lợi" - ông Thoại nói.
Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, TTAT còn giúp nhau làm kinh tế.
Tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng có 12 tổ hỗ trợ đánh bắt cá được thành lập hơn 1 năm qua.
Ông Võ Thu ở thôn Thạnh Đức cho rằng, đánh bắt theo kiểu liên kết từng tổ giúp ngư dân yên tâm mỗi khi ra khơi, tàu nào rủi ro gặp nạn được các tàu gần đó nhanh chóng ứng cứu, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản.
Về phương diện ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết, ngày 4/6, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường.
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn lưu ý việc phía Trung Quốc cấm đánh cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Thứ trưởng đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Được biết, thời hạn cấm đánh bắt năm nay kéo dài ba tháng, từ 16/5 tới 1/8, từ 12 độ vĩ Bắc (tương đương từ Cam Ranh, Khánh Hòa) lên đến đường giới hạn vùng biển giao nhau giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc) và vùng biển phía đông đường phân định trong vịnh Bắc bộ.
(Theo Thanh Niên, TTXVN)