- Để hạn chế các tranh chấp trên Biển Đông, theo Đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Văn Dũng, bà con ngư dân nên đánh bắt ở ngư trường đã xác định chủ quyền, liên kết thành các đội tàu mạnh.
Sức mạnh liên kết
Thưa ông, ngư dân hiện nay có thể yên tâm đánh bắt ở những vùng được xác định là chủ quyền của mình không? Lực lượng bảo vệ ở đó thế nào?
Đại tướng Lê Văn Dũng. Ảnh: NL
Vẫn tốt, vẫn đầy đủ. Các tàu mà bị bắt hầu hết do không nhận biết được giữa vùng biển mênh mông là tàu có trên đúng vùng biển của mình hay không.
Còn những nơi ổn định quanh Trường Sa hay vùng biển quanh khu vực dầu khí thì bà con vẫn rất an toàn. Vùng biển mà có các giàn khoan khai thác dầu khí thuộc chủ quyền của mình.
Về lâu dài, cần có biện pháp gì để bảo vệ an toàn cho ngư dân?
Chỉ có ngồi lại cùng bàn bạc, phân định rõ ràng vùng biên giới trên biển thì mới thuận lợi cho ngư dân khai thác và cho hải quân bảo vệ ngư trường. Còn nếu ra ngoài vùng biển, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế thì không được phép.
Ta cũng đang động viên bà con mình phải đánh bắt trong ngư trường nơi vùng biển đã được xác định chủ quyền là tốt nhất. Không nên sang vùng biển còn đang tranh chấp tương đối căng thẳng.
Từ chuyện này, chúng ta có khuyến cáo gì cho ngư dân?
Các nước Thái Lan, Campuchia, người bạn thân thiết nhất của ta vẫn đang có chung vùng biển rất hẹp mà nếu không khéo, định vị không tốt vùng biển đang đánh cá của ngư dân mình thì có khi đánh bắt cả sang vùng biển người ta.
Cũng có trường hợp ngư dân không biết được vùng biển nào là của mình, của bạn. Vì dân thấy sang vùng biển đó lại đánh được nhiều cá hơn.
Vì thế, có thể có trường hợp cố tình có mà cũng có khi là do phân định về biên giới trên biển không rõ nên ngư dân đánh cá sang vùng người ta và bị bắt. Khi đó thì phải giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Với các vùng chắc chắn xác định được chủ quyền như các vùng xung quanh Trường Sa, trong các trường hợp đó ta đã có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân khai thác?
- Hiện nay tàu hải quân đi tuần tra các vùng biển chủ quyền của mình để cảnh giác tàu lạ hoặc tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển để kịp thời ngăn chặn.
Mặt khác, các biện pháp này để tạo chỗ dựa bảo vệ ngư dân của mình trên các vùng biển như xung quanh quần đảo Trường Sa, các đảo mà ta quản lý.
Nhưng khi ra đánh cá xa bờ thì ta cũng phải khuyên bà con ngư dân là cố gắng liên kết với nhau thành những đội đánh cá mạnh để chống các hoạt động của tàu nước ngoài, kể cả Philippines, Malaysia chứ không riêng Trung Quốc.
Khuyến cáo này là để đảm bảo an toàn cho bà con.
Còn ở Hoàng Sa, ngay cả đấu tranh trên bàn ngoại giao cũng chưa thể giải quyết được.
Hiện nay, ta đã kết thúc phân định ranh giới trên bộ và đã làm xong việc phân định ranh giới ở vịnh Bắc Bộ, phát triển khu vực chồng lấn đánh cá chung. Tiếp đây, chúng ta tiếp tục cùng với Trung Quốc và một số nước phân định biên giới trên biển.
Việc này cần thời gian nhưng cũng phải hết sức quyết liệt.
Báo quân đội
Thưa ông, tình hình cứu hộ trên biển những lúc bà con gặp nạn lâu nay thế nào?
Khi có tín hiệu cấp cứu, ta có đội tàu cứu hộ quốc gia, tàu hải quân, tàu biên phòng kết hợp để cứu hộ cho những tai nạn của ngư dân trên biển. Lực lượng chủ công của ngành cũng là lực lượng này.
Trong các trường hợp phát hiện có tàu lạ của nước ngoài rượt đuổi ngư dân trên vùng biển chủ quyền của mình thì giải pháp xử lý lúc đó là gì?
Hiện giờ, nếu phát hiện tàu lạ thì ngư dân cũng phải báo cho quân đội. Rồi thông qua các hệ thống radar, hệ thống tàu định tiễu trên Trường Sa. Ngoài ra, ta thường xuyên có một đội dân tàu ở đó để khi Trường Sa có chuyện xấu thì cứu hộ cứu nạn, đồng thời cũng là tuần tra bảo vệ Tổ quốc.
Vậy nếu những tàu của nước ngoài có hành vi xâm phạm trắng trợn hơn vùng biển sâu hơn nữa của mình, chúng ta có phản ứng như thế nào?
Để bảo vệ vùng biển của mình thì hải quân của mình ra xua đuổi, họ cũng buộc phải trở về. Nhưng cũng chưa đến nỗi căng thẳng lắm.
-
Ngọc Lê ghi