221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1211516
Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn về bô-xít
1
Article
null
Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn về bô-xít
,

  - Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sáng nay (12/6), Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chốt lại, về các vấn đề liên quan đến khai thác bô-xit, sáng mai, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ giải đáp băn khoăn của đại biểu.

>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều

Cuối giờ chiều hôm qua, trước các truy vấn liên tiếp của đại biểu về việc chia nhỏ các dự án khai thác bô-xít để không phải trình Quốc hội, Bộ trưởng Công thương cũng đã giải thích "đây không phải ý kiến của Bộ mà đã có trong quy hoạch của Chính phủ".

Bộ trưởng có phải thành viên Chính phủ?

ĐB Phạm Thị Loan: Bộ trưởng đá bóng sang cho đại biểu. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, đại  biểu - luật sư Nguyễn Đăng Trừng không hài lòng: "Cuối chiều qua, tôi đã tiếp tục bấm nút để hỏi tiếp nhưng do hết giờ nên không kịp trao đổi lại. Sáng mai, khi Phó Thủ tướng đăng đàn, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục hỏi Chính phủ. Chắc chắn phải đưa ra cho Quốc hội bàn".

Theo ông Trừng, nếu Bộ trưởng Công thương cho rằng chia nhỏ dự án không phải ý kiến của Bộ, thì phải xem lại "anh" đã làm tốt vai trò tham mưu chưa, vì Bộ trưởng cũng là thành viên Chính phủ.

"Nói vậy là không được. Bộ có vai trò tham mưu nhưng lại để mặc cho việc chia tách ra làm các dự án để không phải trình lên Quốc hội. Chỉ thị 245 của Bộ Chính trị đã nói rõ phải xem lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế, môi trường, có đảm bảo thì mới cho thực hiện, nhưng như tinh thần trả lời của Bộ trưởng thì có vẻ vẫn làm dự án bô-xít bằng mọi giá", ông Trừng nói.

Cũng chưa hài lòng với giải thích của Bộ trưởng Công thương, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, chả lẽ Bộ trưởng không biết rằng đây là một hệ thống liên hoàn các dự án tổng thể, không thể chia  tách. Dự án ảnh hưởng đến nhiều người dân, rõ ràng phải đưa ra để dân biết, Quốc hội cho ý kiến.

"Ngay cả với những câu hỏi về vấn đề khác, mà Bộ trưởng trả lời kiểu có văn bản, cơ chế chính sách đăng công báo rồi, đại biểu lên mạng đọc là đẩy quả bóng sang cho đại biểu Quốc hội", bà Loan nói.

Bà Loan cũng cho rằng Bộ trưởng Hoàng vẫn "nợ" câu trả lời về việc bán alumin, một dạng bán thành phẩm, liệu có mâu thuẫn với chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô.

Xem lại vai trò Hiệp hội Lương thực

ĐB Danh Út: Hiệp hội và tổng công ty lương thực chỉ là một. Ảnh: TTXVN

Trong gần một tiếng trả lời chất vấn sáng nay, ông Vũ Huy Hoàng chủ yếu giải đáp các băn khoăn của đại biểu đồng bằng sông Cửu Long về vai trò Hiệp hội Lương thực trong điều hành xuất khẩu gạo.

Dù đã nhận được câu trả lời bằng văn bản, nhưng ông Danh Út (Kiên Giang) vẫn tiếp tục chất vấn tại Hội trường.

"Bộ trưởng nói là không giao cho Hiệp hội trực tiếp quản lý xuất khẩu gạo mà chỉ  giao vai trò điều phối, nhưng thực tế, Hiệp hội làm cả chức năng quản lý điều hành như giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm cho các tỉnh. Hiệp hội không hề nắm tình hình sản xuất sản lượng từng địa phương là bao nhiêu và phân bổ chỉ tiêu phần lớn tập trung cho hai tổng công ty, trong khi hai đơn vị này không có nông dân, không có vùng sản xuất", ông Út bức xúc.

Hiệp hội ra văn bản ngăn cản tỉnh Kiên Giang không được xuất khẩu 53.500 tấn gạo tháng 4 vừa rồi, tham mưu và trực tiếp ra văn bản tạm ngưng xuất khẩu gạo tháng 4/2008, tháng 2/2009, rồi cho xuất khẩu gạo tháng 5/2009 làm cho nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng.

"Đáng lẽ Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa nếu không có điều hành ách tắc của Hiệp hội.  Chủ tịch Hiệp hội lại là Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, những cá nhân lãnh đạo Hiệp hội đồng thời làm chủ doanh nghiệp. Thực chất, Hiệp hội và Tổng công ty lương thực chỉ là một", ông Út kết luận.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, 53% hợp đồng Chính phủ do Bộ Công thương đi đàm phán, giao Hiệp hội điều hành, trong đó hai tổng công ty lương thực là chủ công.

Còn lại 47% hợp đồng thương mại do doanh nghiệp tự đi tìm nguồn hàng. Các doanh nghiệp bầu Chủ tịch Hiệp hội chứ Nhà nước không can thiệp.

Theo ông Hoàng, trong phiên họp ngày 5/6 bàn về điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng đã yêu cầu Hiệp hội chấn chỉnh hoạt động, công khai, minh bạch. "Nếu sau năm 2009, vẫn có  ý kiến về hoạt động của Hiệp hội Lương thực, chúng tôi sẽ lắng nghe và trình Thủ tướng".

Chưa hài lòng với cách trả lời này, đại biểu Danh Út đứng lên: "Tôi muốn biết trách nhiệm của Bộ Công thương. Tôi đánh giá cao vai trò Hiệp hội. Nhưng nhiều năm qua, ta xuất khẩu tốt mà dân không được hưởng lợi".

   Quần áo, đồ chơi nhiễm độc: Do chưa có tiêu chuẩn

ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền: Dư luận xôn xao đồ chơi và quần áo trẻ em TQ nhiễm độc, Bộ đã quản lý và kiểm tra thế nào, phối hợp với Bộ Y tế ra sao để dân yên tâm?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ban quản lý thị trường Trung ương đã có công điện gửi các địa phương có đường biên giới trên đất liền yêu cầu kiểm soát để ngăn chặn, bàn với Bộ Y tế kiểm tra các mặt hàng này để xem xét cách giải quyết.

Mong nhân dân giúp quản lý thị trường phát hiện, vì đến nay, những quy chuẩn thế nào là hàng nhiễm hóa chất độc hại vẫn chưa có. Có những hóa chất độc hại xuất hiện hàng ngày nên không thể kịp thời phát hiện. Yêu cầu sắp tới là xây dựng các quy chuẩn về kỹ thuật. 

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,