- Giải tỏa nghi ngờ của các đại biểu QH chiều nay (12/6) về quy mô, hiệu quả của gói kích cầu, đặc biệt là các "phản ứng phụ" kèm theo, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định: Gói kích cầu của Chính phủ đã "bấm đúng huyệt".
Đúng luật
Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) yêu cầu xem xét hiệu quả cũng như hệ luỵ của gói kích cầu nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế có quy mô lên tới 145.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD) và có thể lên 9 tỷ USD, chiếm 10% GDP - so với các nước là rất lớn nếu tính theo GDP, như Mỹ chỉ 4,8 %, Trung Quốc 4,4%...
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Những khoản chi nào vượt quyền của Chính phủ đều đã báo cáo và xin ý kiến QH, Thường vụ QH.
Ông Minh lo ngại: "Với lượng tiền lưu hành lớn, bội chi ngân sách tăng cao, liệu Bộ KH-ĐT có lường hết khả năng tái lạm phát không? Các khoản chi của gói kích cầu phải được Quốc Hội (QH) đồng ý, song nhiều khoản lại chưa được Chính phủ báo cáo, Thường vụ QH không được có ý kiến. Liệu có phải Chính phủ đặt QH trước sự việc đã rồi không?".
Sau khi giải thích hoàn cảnh ra đời của gói kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, gói kích cầu đã "bấm đúng huyệt".
Chính phủ đã xác định đúng đắn là phải "cứu" các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm duy trì sản xuất để có tăng trưởng, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu đưa tiền trực tiếp hay hỗ trợ xuất nhập khẩu đều không được nên phải thông qua hỗ trợ ngân hàng. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với mức lãi suất hợp lý (4%).
Nhờ vậy, ngân hàng duy trì được hoạt động, DN không bị đình trệ sản xuất, người dân gửi được tiền (không đổ xô đầu tư vào vàng, đất đai... gây biến động lớn).
Về việc chi gói kích cầu có vượt quyền không, ông Phúc khẳng định đều tuân thủ đúng luật pháp. Những khoản chi nào hoặc chủ trương lớn vượt quyền của Chính phủ đều đã báo cáo và xin ý kiến QH, Thường vụ QH.
Không tăng cung tiền
TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, vẫn chất vấn, Bộ KH-ĐT đã có giải pháp với các "phản ứng phụ" của gói kích cầu chưa, mà ông nhấn mạnh rằng chắc chắn là có, trong đó đáng kể nhất là nguy cơ tái lạm phát. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc ngay lập tức "trấn an": "Chính phủ đã thấy rõ vấn đề này và chỉ đạo theo dõi sát, không để hiện tượng lạm phát tái diễn như cuối năm 2007".
Trong đó, tập trung nhất vào độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán, vừa qua chỉ tăng 14,67%. Hơn nữa, tổng dư nợ tín dụng đến tháng 5 được khống chế ở mức 14,9%. Đồng thời, phòng ngừa trước khả năng tăng giá của các mặt hàng phụ thuộc lớn vào thế giới, đảm bảo không có tái lạm phát.
Được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói thêm, việc điều hành tiền tệ được thực hiện trên nguyên tắc "không làm tăng cung ứng tiền trên lưu thông, không dùng biện pháp in tiền để tăng chi cho ngân sách". Đối với điều hành giá, Chính phủ thống nhất kiên trì theo cơ chế thị trường,. Điều hành là quyết liệt nhưng không gây sốc, làm giá cả tăng quá cao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu bổ sung, các nước đều nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng đên nay chưa thấy nước nào xuất hiện lạm phát. Ngay vừa qua, khi Việt Nam điều chỉnh giá xăng tăng theo giá dầu thế giới nhưng chưa thấy có ảnh hưởng gì lớn.
"Đúng là gói kích cầu lớn, đầu tư xã hội và đầu tư ngân sách tăng, song, nếu các ngành, các cấp cố gắng sử dụng hiệu quả thì sẽ ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát", vị Thống đốc dự đoán.
Đối với các "phản ứng phụ", Bộ KH-ĐT đã lường hết được và các Bộ có liên quan đang theo dõi liên tục từng tháng, từng tháng một. "Chúng ta không thể đưa một đề án định sẵn được, vấn đề này cần có phản ứng linh hoạt và đối sách linh hoạt", ông Phúc nói.
-
Hà Yên