221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1212552
Luật phải cấm bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân
1
Article
null
Luật phải cấm bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân
,

 - Những hành vi tiêu cực như thầy thuốc gợi ý đưa quà hay nhận tiền hoa hồng của bệnh nhân phải có quy định xử lý trong luật - ý kiến của ĐBQH Hoàng Thị Hương tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (15/6) về dự Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Chữa bệnh phải "còn nước còn tát"

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu QH, đặc biệt những người trong ngành y, quan tâm nhiều nhất đến vấn đề y đức.

Phó Giám đốc Sở Y tế Long An Võ Thị Dễ cho rằng cán bộ y tế phải "toàn tâm, toàn lực" với công việc được giao. Bà đề xuất định kỳ phải xem xét lại chuyên môn, y đức của các thầy thuốc tại các bệnh viện công.

Để ràng buộc hơn, đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) đề nghị nên gắn tiêu chuẩn y đức vào việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho cán bộ y tế do liên quan chặt chẽ đến tính mạng con người. 

"Chúng tôi được biết Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức nhưng một trong những nội dung quan trọng nhất cần được chốt lại, đó là tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh với tinh thần "còn nước, còn tát", đại biểu Minh Hồng cho hay.

Đại biểu - bác sĩ Nguyễn Minh Hồng: Nên thay điều khoản "thương yêu người bệnh" bằng "tận tâm, tận lực cứu chữa người bệnh". Ảnh: TTXVN

Một đại biểu khác cũng tên Hồng, bác sĩ Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) chỉ ra, ở điều 36, nghĩa vụ đối với nghề nghiệp có 4 khoản, nhưng không có khoản nào nói lên nghĩa vụ chính. Ông đề nghị thay cụm từ ở khoản 3 là "thương yêu người bệnh" bằng "tận tâm, tận lực cứu chữa người bệnh". 

Nghĩa vụ "thương yêu người bệnh" cũng được đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) nhận định là "quá chung chung". Ông cho rằng người hành nghề y không thể có thái độ "thờ ơ, lạnh nhạt, ăn nói nhát gừng, không chủ ngữ, vị ngữ" đối với người bệnh.

Đại biểu Tí cũng góp ý luật phải cấm tình trạng một số thầy thuốc kê đơn với những loại biệt dược đắt tiền không cần thiết hoặc chỉ định làm các xét nghiệm, chụp X quang và các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, vì mục đích lợi nhuận do có mối quan hệ với cơ sở y tế.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng luật cần quy định làm sao để tránh tình trạng bác sĩ khám bệnh qua loa, thiếu trách nhiệm gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin đối với người bệnh.

Dẫn kinh nghiệm luật hành nghề thầy thuốc của Pháp, đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) cho rằng phải nghiêm cấm những hành vi như thầy thuốc gợi ý đưa quà hay nhận tiền hoa hồng của bệnh nhân; cấm thầy thuốc cho tiền người môi giới của người bệnh cho mình; thu thêm tiền của bệnh nhân ngoài các khoản phải trả theo quy định, hay thương lượng ngầm giữa các bác sỹ và dược sỹ bán thuốc...

"Luật phải giải quyết được những tiêu cực trong cuộc sống, nghiên cứu xem thực tiễn khám, chữa bệnh ở nước ta có những hiện tượng này không, nếu có thì phải được cụ thể hoá trong luật để phòng ngừa, răn đe", bà Hương nói.  

Giám sát chất lượng dịch vụ tư nhân

Các đại biểu cũng cho rằng phải giám sát chất lượng dịch vụ y tế tư nhân một cách toàn diện. 

Dù công chức, viên chức y tế hành nghề ngoài giờ góp phần hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện công, nhưng đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) lo lắng điều kiện trang thiết bị của các phòng khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ của cán bộ, nhân viên y tế còn hạn chế.

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền còn bất cập. Do vậy, theo ông Anh, công tác khám, chữa bệnh của nhiều cơ sở chưa được bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông cũng nêu thực trạng có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ lạm dụng uy tín là người của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước đưa ra phác đồ điều trị với các loại thuốc đắt tiền không đáng có, gây tốn kém cho người bệnh.

Song song cùng hệ thống y tế công, cả nước hiện có hơn 30.000 phòng khám tư nhân.

  • Xuân Linh



     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;