- Việt Nam dự kiến phấn đấu đào tạo 2.000 luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, trong đó 300 người có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực - theo dự thảo Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2015.
"Vài chục người đã là khá lắm rồi"
Việt Nam đứng trước nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực luật sư chuyên ngành thương mại quốc tế. |
"Nên giảm bớt số lượng mục tiêu luật sư chuyên ngành thương mại quốc tế. Với điều kiện hiện nay, phấn đấu đào tạo được vài chục luật sư ngang tầm khu vực là khá lắm rồi", ông Thảo đề xuất từ góc độ chất lượng đào tạo.
Dẫn thực trạng chỉ có 1,2% trong tổng số luật sư Việt Nam hiện nay có thể sử dụng tiếng Anh, đủ kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán giải quyết các tranh chấp quốc tế, bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư Pháp) cho rằng nguồn lực luật sư chuyên ngành này đang là "vấn đề lớn", "nhu cầu đang cấp bách".
Hội nhập đã làm thay đổi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, từ hệ thống pháp luật thương mại nội địa đơn giản sang hệ thống pháp luật thương mại quốc tế phức tạp. Thực tiễn thời gian qua, phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam phải thuê luật sư nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chỉ có 10 tổ chức luật sư về thương mại quốc tế
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 62 đoàn luật sư, với hơn 5.300 luật sư và 2.000 luật sư tập sự hoạt động trong gần 1.500 tổ chức hành nghề luật sư.
Gia tăng số lượng trong những năm qua nhưng số lượng luật sư hiện có so với dân số còn thấp, đạt 1 luật sư/17.000 dân. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 trong tổng số 1.500 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực luật sư về kinh tế quốc tế, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh (Bộ Ngoại giao) gợi ý việc thu hút đội ngũ luật sư Việt kiều hoặc người gốc Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Ông Thảo cho rằng nên mở trường đào tạo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì thực hiện. Ngoài chương trình đào tạo cử nhân, bà Yến cũng nêu ý tưởng (được đưa ra trong Đề án) là gửi luật sư ra nước ngoài tham dự khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2009 đến năm 2015, do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đưa ra tiêu chí luật sư hành nghề trong các lĩnh vực liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế phải am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, được trang bị các kỹ năng hành nghề luật sư, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.
Ngoài ra, luật sư phải có kinh nghiệm đàm phán hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về thương mại quốc tế, có hành vi ứng xử theo đúng chuẩn mực quốc tế về đạo đức nghề nghiệp.
-
Linh Thư