Ngày 30/6, Chủ tịch nước ký phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, đưa Việt Nam tham gia vào cộng đồng gần 140 thành viên chính thức đã phê chuẩn hoặc gia nhập công ước này.
Bằng việc phê chuẩn công ước này, Việt Nam đã tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác trong phòng, chống tham nhũng.
Cùng với việc phê chuẩn, Việt Nam ra thông báo bảo lưu không bị ràng buộc bởi khoản 2 Điều 66 Công ước. Khoản này quy định nếu có tranh chấp về cách giải thích, áp dụng công ước mà không thương lượng hoặc giải quyết bằng con đường trọng tài được thì thành viên công ước có quyền đưa vụ việc ra tòa án tư pháp quốc tế để giải quyết.
Việt Nam cũng tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của công ước. Chẳng hạn như hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hành vi tham nhũng trong khu vực tư; cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự với cả pháp nhân; áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt. Đây là những nội dung mà pháp luật trong nước hiện thời chưa quy định. Ngoài ra, không coi công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ tội phạm về tham nhũng, việc này phải thực hiện trên cơ sở pháp luật Việt Nam.
Trước đó, đánh giá về khả năng đáp ứng của Việt Nam khi tham gia công ước về chống tham nhũng, Thủ tướng có tờ trình nhận định pháp luật trong nước hiện hành thỏa mãn toàn bộ 135 quy định mang tính bắt buộc của công ước, 61/64 quy định mang tính tùy nghi và 37/38 quy định mang tính khuyến nghị. Với thuận lợi cơ bản đó, việc trở thành thành viên chính thức của công ước sẽ giúp Việt Nam tiếp thu nhiều kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ tài chính của quốc tế trong hợp tác phòng, chống tham nhũng. Song song đó, Việt Nam được thực hiện các quyền của thành viên công ước, bao gồm cả quyền yêu cầu quốc gia thành viên khác tương trợ tư pháp trong điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
(Theo PL TP.HCM)