- Theo Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, để minh bạch trong điều hành giá, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi thông tư 56 cho phù hợp thực tiễn.
Không có nguồn lực để bình ổn giá xăng
Trả lời phỏng vấn của VietNamNet trước đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: Giá xăng dầu của ta đang thấp hơn so với các nước láng giềng. Giá bán lẻ xăng dầu nước ta vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000đồng/lít so với các nước như Trung Quốc, Campuchia, Singapore, Lào. |
Ông Thỏa cho biết: "Việc cho phép điều hành tăng một lần không quá 500 đồng/lít có điều kiện cần là có Quỹ bình ổn giá và điều kiện đủ là Quỹ bình ổn giá phải có nguồn lực. Nếu tăng vượt 500 đồng/lít thì doanh nghiệp lấy Quỹ bình ổn giá để bù đắp".
Nhưng theo ông Thỏa, trong thời gian qua, khi Bộ Tài chính ban hành thông tư 56 thì giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, "không có điều kiện để trích Quỹ bình ổn giá xăng, nên không có nguồn lực để bình ổn giá xăng".
Giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện hàng loạt công cụ tài chính, liên Bộ Tài chính và Công thương đã cho phép điều hành giá linh hoạt, phù hợp với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Đây là giải pháp mang tính tình thế và cần thiết.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2009. Ảnh: Chinhphu.vn |
Để minh bạch trong điều hành giá, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu sửa đổi thông tư 56 cho phù hợp thực tiễn. Bộ Tài chính cũng cho hay, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước không nên để thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng nhằm hạn chế việc buôn lậu và gian lận thương mại.
Chuẩn bị đề án tái cơ cấu kinh tế hậu khủng hoảng
Thông báo kết quả phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, trong đó nhấn mạnh việc rà soát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vốn bị giảm sút 10,1% trong 6 tháng qua.
6 tháng qua, theo nhận định của Chính phủ, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp. Các cân đối vĩ mô chưa thật ổn định.
Liên quan đến việc giải quyết vụ 12 ngư dân và 1 tàu cá ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi của Việt Nam vẫn đang bị Trung Quốc giam giữ, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: Việt Nam có biện pháp hỗ trợ cần thiết để bảo vệ ngư dân. Ông cho biết đây là vấn đề chủ quyền và Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền. |
Theo ông Sinh, nền kinh tế dù đã từng bước ra khỏi đáy suy thoái nhưng chưa thể khẳng định tốc độ, diễn biến này cho đến hết quý 3. Ông cho hay, thách thức lớn nằm ở xuất nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng đóng góp cho tăng trưởng GDP nói chung của 6 tháng còn lại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho hay, tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý việc phòng ngừa tái lạm phát. Ngoài chỉ tiêu kiềm chế lạm phát 7%, mức bội chi ngân sách dự kiến dưới 10%, chỉ số giá tiêu dùng đạt dưới 10%.
Cùng với các giải pháp điều hình kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội trong 6 tháng còn lại của năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Chính phủ đang chuẩn bị đề án tái cơ cấu nền kinh tế hậu khủng hoảng.
Trong nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, từ nay đến cuối tháng 9, Chính phủ sẽ công khai toàn bộ bộ thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 : - GDP ước đạt 3,9%, trong đó qúy I đạt 3,09% và qúy II đạt 4,51%. - Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,8%. - Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1%. Nhập siêu khoảng 2,1 tỷ USD. - Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 10,27%. - Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài 4,7 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. |
-
Xuân Linh