"Cần phải khởi động tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc làm cho nó “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn” như Bác Hồ đã từng căn dặn, tạo thành một động lực mạnh mẽ trong đời sống."
Tin bà con ngư dân ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị tàu của bọn cướp biển đâm chìm, cả 9 người bị trọng thương và rơi xuống biển khi “tàu lạ” bỏ chạy đã khiến nhiều người bất bình. |
Sáng sớm 15/7, đang đánh bắt cá ở vùng biển lãnh hải VN cách đất liền khoảng 200 hải lý, tàu của ông Đặng Nam đã bị một tàu lạ đâm chìm. |
Vì thế, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, chạm đến tình cảm thiêng liêng ấy là chạm đúng vào điểm nhạy cảm trong tâm thế người Việt. Bởi vậy, tin những bà con ngư dân ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm, cả 9 người bị trọng thương và rơi xuống biển khi “tàu lạ” bỏ chạy, đã khơi động sự phẫn nộ sục sôi trong lòng mỗi người Việt Nam.
Mà đâu phải chỉ một lần. Chỉ riêng ở huyện Tư Nghĩa, từ đầu năm đến nay đã có 13 vụ tai nạn trên biển, trong đó có ba vụ tàu cá bị “tàu lạ” đâm chìm vào ban đêm.
Và trước đó, nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta hành nghề trên lãnh hải của ta bị bắt đòi tiền chuộc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bởi thế, dù “tàu lạ” hay “tàu quen” thì cũng là hành vi cướp biển không thể nào không lên án một cách quyết liệt. Phải làm vậy để đánh động dư luận quốc tế, trước hết là dư luận các nước Đông Nam Á, nơi đang cùng có những quyền lợi trên vùng Biển Đông.
Vả chăng, chuyện chống “cướp biển” là chuyện đòi hỏi hành động quốc tế. Việc chống nạn cướp biển Somali trên giao lộ đường biển quốc tế quan trọng vừa qua là một ví dụ sống động. Nhiều nước đã gửi hạm đội của mình đến vùng biển rộng lớn này để phối hợp chống cướp biển vì họ có chung lợi ích.
Đấy là trên những vùng lãnh hải quốc tế mà người ta còn quyết liệt như thế. Huống hồ các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam lại bị “tàu lạ” tấn công theo kiểu "cắn trộm" rồi chuồn để dấu tung tích, lại diễn ra ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta, thì lại càng phải biết cách khởi động dư luận quốc tế.
Xưa kia, ông cha ta chưa có điều kiện ấy như chúng ta ngày nay, nhưng do biết khơi dậy bản lĩnh quật cường của dân tộc “có cứng mới đứng được đầu gió”, biểu hiện được khí phách “sóng cả không ngả tay chèo”. Bằng việc khẳng định “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” mà vua Quang Trung khởi động được sức mạnh của tinh thần tự tôn dân tộc để trong một thời gian ngắn đập tan mấy chục vạn quân xâm lược.
Tinh thần tự tôn dân tộc ấy là sự kế thừa khí phách đời Trần, không thể nào “trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn”như Trần Hưng Đạo đã khơi dậy trong “Hịch tướng sĩ”, tạo nên sức mạnh đánh tan đế quốc Nguyên Mông.
Ngày nay, trong bối cảnh mới của hòa hiếu và hội nhập quốc tế, khí phách ấy phải thể hiện trong các cuộc đối thoại có lý có tình mà sức hậu thuẫn làm nên thắng lợi vẫn là ý chí của cả dân tộc. Bởi vậy, phải khởi động tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc làm cho nó “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn” như Bác Hồ đã từng căn dặn, tạo thành một động lực mạnh mẽ trong đời sống.
Khi mà bà con ngư dân vẫn đang bị uy hiếp, bị đe dọa đến tính mạng, thì mỗi người Việt Nam vốn thấm thía đạo lý “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” không thể nào không hướng ánh mắt ra Biển Đông.
Phải mạnh mẽ lên án hành động tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, coi đó như hành động cướp biển trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta , và đưa ra trước công luận quốc tế.
- Tương Lai