221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1228704
Xuất khẩu lao động: "Dân phải tự bảo vệ mình"
1
Article
null
Xuất khẩu lao động: 'Dân phải tự bảo vệ mình'
,

 - Khẳng định việc tuyển dụng xuất khẩu lao động vẫn đang được kiểm soát, song Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh khuyên người dân phải biết "tự bảo vệ mình".

Ông Quỳnh đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi của Ủy ban các vấn đề xã hội sáng nay (7/8) tại cuộc hội thảo về thực hiện chính sách pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được tổ chức sau khi Ủy ban kết thúc đợt khảo sát tại địa phương.

Tiêu cực chưa bị nghiêm trị

Mô tả ảnh.

Ông Đặng Như Lợi (trái): Nhà quản lý chưa thấy trách nhiệm của mình... Ảnh: LAD

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 85% số người lao động hài lòng khi đi xuất khẩu về. Có những nơi, 60 - 70% nhà được xây kiên cố, cao tầng, khang trang là từ tiền của đội ngũ đi xuất khẩu.

Tuy nhiên, không ít hạn chế đã được đoàn khảo sát chỉ ra.

Đó là, vẫn đang có quá nhiều tổ chức nhà nước, tư nhân được cấp phép. Sự lẫn lộn tốt xấu khiến người dân không biết đằng nào mà lần, chưa kể DN mở quá nhiều chi nhánh ở địa phương, tuyển lao động qua môi giới.

Chính Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa nhận, Cục vẫn chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá DN nào hoạt động hiệu quả, DN nào không.

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Quỳnh cho rằng, với những DN vừa cấp phép, chuyện chưa có ngay hợp đồng là bình thường. "Nếu trong vòng 1 năm không đưa được lao động đi thì mới thu hồi giấy phép".

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nói, một năm nay, chưa rút giấy phép của DN nào vì không hề phát hiện ra vi phạm.

Theo đoàn khảo sát, nhiều đơn vị khoán trắng cho chi nhánh, trung tâm, liên kết tràn lan. Việc dạy nghề và ngoại ngữ làm qua loa, chiếu lệ. Phí môi giới, phí quản lý không được công bố rõ ràng. Doanh nghiệp và tổ chức thiếu trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người lao động.

Thống kê cho thấy, chi phí đi lao động xuất khẩu cao gấp 1,5 - 2 lần, thậm chí có thị trường cao gấp 10 lần so với thông báo của DN tuyển.

Ngay những DN đã cầm chắc được đưa người lao động ra nước ngoài cũng còn phải đối mặt với tình thế bấp bênh là các hợp đồng lao động có thể chấm dứt trước thời hạn vì gần như DN chỉ tìm kiếm hợp đồng thông qua môi giới ở nước ngoài.

"Hiện chưa có biện pháp thẩm tra chặt chẽ thực lực các đơn vị xin cấp phép cũng như quản lý chất lượng hoạt động. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp xác minh chất lượng các hợp đồng. Nhà quản lý cũng chưa thấy trách nhiệm của mình về việc đã chấp thuận cho các hợp đồng cung ứng lao động không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại cho dân", Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội QH Đặng Như Lợi nói.

Đưa ra số liệu 164 DN tổ chức xuất khẩu lao động "lẫn lộn tốt xấu", trong đó, tính đến tháng 6/2009, 29 doanh nghiệp "không đưa được bất kỳ lao động nào đi", ông Lợi không ngần ngại nhận xét: "Tiêu cực trong công tác quản lý còn chưa được chấn chỉnh để nghiêm trị. Vẫn phổ biến tình trạng cấp giấy giới thiệu, công văn cho doanh nghiệp đi xuống huyện, xã để tuyển người".

Đến thẳng Bộ Lao động nếu bị lừa

Mô tả ảnh.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Bộ Lao động vẫn đang kiểm soát việc tuyển dụng lao động ra nước ngoài. Ảnh: LN

Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai và các thành viên đã chất vấn Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh để làm rõ vai trò quản lý nhà nước, khả năng kiểm soát khi để xảy ra hàng loạt vi phạm về tuyển lao động đi xuất khẩu, dẫn đến bi kịch ở nhiều vùng quê, như dư luận phản ánh.

Tuy khẳng định việc tuyển dụng "vẫn đang được Bộ kiểm soát", nhưng ông Quỳnh cũng thừa nhận, trong số 164 DN, chỉ 30% đưa được nhiều lao động xuất ngoại và ít có vi phạm.

Trước những câu hỏi dồn dập của bà Trương Thị Mai, ông Quỳnh công nhận: "Theo luật thì các DN chỉ được mở ba chi nhánh nhưng có nhiều địa phương đã mở ra rất nhiều văn phòng đại diện".

Điều mà Ủy ban quan tâm là hàng loạt người dân đã dốc hết gia sản để "chạy" được một suất đi nước ngoài, nhưng khi bị lừa gạt, hoặc DN phá sản, ôm tiền, họ không biết đằng nào mà lần.

Các tổ chức, cá nhân đã nhập nhằng lập nên những "trung tâm" hoặc "công ty cung ứng LĐ", đánh vào tâm lý của người dân sẵn sàng mất tiền để được đưa đi.

Trao đổi với báo giới, ông Quỳnh khẳng định: "Khi xảy ra chuyện các chi nhánh, trung tâm giải thể, ôm tiền, người lao động có thể hỏi thẳng DN, hỏi chính quyền và thậm chí đến thẳng Bộ Lao động".

Nhưng, chính ông Quỳnh cũng chốt lại: "Người lao động phải tự tìm cách bảo vệ chính mình".

 

Theo thống kê từ 1/7/2006 đến 6/2009, chỉ có 81 DN đưa được trên 500 lao động ra nước ngoài, trong đó có 54 DN đưa được trên 1.000 người.

16 DN đưa được dưới 100 lao động, 29 DN không đưa được lao động nào.

  • Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,