221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1229099
Dân chủ hóa công tác cán bộ
1
Article
null
Dân chủ hóa công tác cán bộ
,

 - Lựa chọn cán bộ theo đức - tài, trong đó đức là gốc, lựa chọn cán bộ theo tiêu chuẩn, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ… Những điều đó đều không sai về đạo lý, nhưng không vận động trong thực tế của cuộc sống, khiến công tác cán bộ vẫn trì trệ.

 

VietNamNet trò chuyện với ông Bùi Đức Lại, cựu chuyên gia của Ban Tổ chức Trung ương. 

 

Mô tả ảnh.

Ông Bùi Đức Lại: Quy hoạch là tạo ra điều kiện để những ai muốn và có đủ điều kiện, có thể nhập cuộc một cách sòng phẳng, công khai.

Ông Lại cho rằng vấn đề là tìm ra con đường để các tiêu chuẩn đi vào cuộc sống. "Dân chủ hóa công tác cán bộ chính là con đường đó".

 

Số dư tối thiểu 5%

 

Dân chủ trong công tác cán bộ nghĩa là thế nào thì chúng ta chưa có chuẩn mực thống nhất.

 

Không ít cán bộ lãnh đạo có một “chuẩn mực kép”, trong khi kêu cấp trên thiếu dân chủ với mình, thì anh ta mất dân chủ với cấp dưới. Điều đó chứng tỏ rằng nếu chỉ dựa vào ý thức tự giác của người lãnh đạo mà hy vọng thúc đẩy dân chủ hoá thì không đủ.

 

Vào thời điểm hiện nay, quan trọng nhất là thực hành dân chủ bầu cử trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của Điều lệ và luật pháp.

 

Nhưng thưa ông, lâu nay việc bầu cử vẫn được tiến hành qua các kỳ Đại hội Đảng?

 

-  Điều lệ Đảng quy định, cơ quan lãnh đạo các cấp đều do bầu cử thành lập. Nhưng bầu cử như thế nào?

 

Trước đây, ban chấp hành cũ chuẩn bị nhân sự giới thiệu tròn số lượng, cấp uỷ cấp trên chấp thuận, đưa danh sách ra đại hội, các đại biểu tin tưởng, bỏ phiếu theo danh sách.

 

Có lẽ, bầu cử như thế không đảm bảo dân chủ, vì người bỏ phiếu không có lựa chọn nào hết.

 

Bước vào Đại hội Đảng VIII, anh Nguyễn Văn An lúc đó là Trưởng Ban Tổ chức TƯ thấy cần phải có một số đổi mới. Hướng dẫn công tác nhân sự ĐH mà chúng tôi dự thảo nêu thành quy tắc quy trình thống nhất với một số điều cụ thể, đảm bảo quyết định tập thể, đòi hỏi cấp uỷ cũ giới thiệu nhân sự bằng phiếu từng người.

 

Ai được trên 50% thì mới coi là được giới thiệu, người không được giới thiệu vẫn có quyền ứng cử và nhận đề cử.

 

Đồng thời yêu cầu cấp uỷ cũ phải giới thiệu ít nhất nhiều hơn số lượng dự kiến là 5%, kể cả bầu cấp uỷ và ban thường vụ. Quy định cấp ủy mới phải dân chủ thảo luận, thực hiện ứng cử, đề cử trước khi bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, thừa nhận quyền của họ đưa ra ý kiến nhân sự khác với giới thiệu của cấp uỷ cũ, của cấp uỷ cấp trên.

 

Nhiều người phản ứng với đề xuất tăng tỷ lệ.

 

"Trong điều kiện của thể chế chúng ta, phải tạo ra những điều kiện để nhân dân quyết định, chọn lựa. Nếu chỉ có một ứng cử viên thì không còn chọn lựa. Người ta sẽ lo để được chọn lựa, chứ không lo để được bầu".
Vậy ông đã thuyết phục thế nào?

 

 - Hiện nay, những điều đó đã thành thông thường. Nhưng 13, 14 năm trước, có nhiều người không tán thành.

 

Trong một hội nghị có nhiều lãnh đạo cấp cao, không ít ý kiến bác bỏ việc tăng tỷ lệ, lấy lý do đã giới thiệu là giới thiệu đủ.

 

Chúng tôi nói rằng, Điều lệ chỉ yêu cầu giới thiệu, chứ không bắt buộc giới thiệu nhiều hoặc ít hơn. Mà hiện nay, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” là hiện tượng không hay. Đại biểu đại hội đâu có điều kiện lựa chọn, do đó cũng xem nhẹ trách nhiệm. Vì vậy cần giới thiệu nhiều hơn, tối thiểu là 5%, không hạn chế tối đa.

 

Tranh cử công khai

 

Đề xuất những thay đổi như vậy, ông kỳ vọng gì về việc chọn được lãnh đạo?

 

- Chúng tôi xem đây là một trong nhiều bước đi sẽ được tiếp tục về sau, để sau một thời gian có thể tiến hành bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng, theo đúng nguyên tắc các cơ quan lãnh đạo đều do dân chủ bầu cử mà lập nên.

 

Trên cơ sở đó, tiến tới việc tranh cử công khai trong ĐH Đảng, trong bầu cử. Điều này nhiều người đến nay còn dị ứng.

 

Làm như vậy, sẽ thay đổi hẳn thái độ của người được bầu và người đi bầu. Người muốn được bầu, thay vì sửa sang hình ảnh, tranh thủ thiện cảm của cấp trên, chăm lo điều hoà “các mối quan hệ”, sẽ phải tập trung làm tốt công việc để được tập thể thừa nhận.

 

Trong điều kiện của thể chế chúng ta, phải tạo ra những điều kiện để nhân dân quyết định, chọn lựa. Nếu chỉ có một ứng cử viên thì không còn chọn lựa. Người ta sẽ lo để được chọn lựa, chứ không lo để được bầu.

 

Vậy còn vai trò cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ, thưa ông?

 

- Cấp trên có vai trò quan trọng, nhưng không được quyết định thay cấp dưới, cũng không thể gò ép.

 

Cơ quan tổ chức cán bộ cũng có vị trí quan trọng. Nhưng đặt trọng tâm vào sự lựa chọn của cấp trên, vào ý kiến của cơ quan tham mưu, đến mức vi phạm quyền quyết định của cấp dưới, biến nó thành yếu tố quyết định là không đúng.

 

Cách làm này cuối cùng dẫn tới quyết định cá nhân về cán bộ với những biến thể của nó. Người ta đưa ra đòi hỏi cao về mọi mặt với cấp trên và cơ quan tổ chức, nào là họ cần sáng suốt, cần công tâm, khách quan, liêm chính… Nhưng lấy gì kiểm nghiệm là họ có đủ phẩm chất đó, nếu họ không có thì sao? Đã ai chịu trách nhiệm về sai lầm trong việc quyết định và tham mưu chọn cán bộ chưa? Chỉ có nhân dân chịu.

 

Tất nhiên bầu cử dân chủ cũng đầy rẫy những thiếu sót, không ít thế lực lợi dụng để mưu lợi, nhưng vẫn tốt hơn các cách khác. Đó là cách tối ưu cho đến nay loài người nghĩ ra được, Đảng đã ghi nhận thành nguyên tắc trong Điều lệ. 

 

Bước đi thích hợp 

Còn việc thực hiện tự do tranh cử như ông vừa nói, cần điều kiện gì? 

Tôi nhớ, gần 20 năm trước, có ban thường vụ một tỉnh ủy nhất thiết đòi kỷ luật một cán bộ vì anh ấy được cấp dưới bầu làm bí thư ngoài dự kiến. Họ cho là được giới thiệu ngoài dự kiến của thường vụ mà không rút thì phải kỷ luật.

 

"Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp vẫn chỉ có một nguồn duy nhất là đội ngũ công chức, bằng một cách chọn lựa phức tạp, ngoắt ngoéo, nhiều tầng nấc, nhưng đặc điểm xuyên suốt là dân chủ hình thức và trách nhiệm không được xác định".
Nhiều quy định hiện hành vẫn còn theo nhằm hạn chế ứng cử, đề cử các chức danh chủ chốt như bí thư, phó bí thư; hạn chế đảng viên đề cử hoặc nhận đề cử trong các tổ chức dân cử…

 

Để tiến tới bầu cử thực sự dân chủ, phải có bước đi thích hợp. Mục tiêu và bước đi phải được hoạch định rõ. Song ý tưởng sau từ 2 đến 3 kỳ (sau Đại hội VIII) sẽ thực hiện được thực sự dân chủ trong bầu cử đại hội xem ra còn xa vời.

 

Ông có nhận xét gì về nguồn cán bộ hiện nay?

 

- Chúng ta thường nói ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường với cán bộ và công tác cán bộ. Nhưng đừng quên rằng, nhiều khuyết tật hiện nay của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đã nảy sinh không kém nghiêm trọng từ trước 1986. Ai không tin, xin đọc lại các văn kiện Đại hội IV, V.

 

Chúng ta cũng cần suy nghĩ nhiều về những hạn chế, tiêu cực, thậm chí những tác hại của nền kinh tế công hữu, kế hoạch hoá tập trung đối với đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

 

Giữa nhà chính trị và công chức, dù là công chức cấp cao, cũng có một số điểm khác nhau về phẩm chất. Phẩm chất chủ yếu của công chức là thực hiện công vụ, chấp hành quyết định của cấp trên, qua đó định kỳ, thăng tiến lần lượt theo các nấc thang công vụ.

 

Nhà chính trị thì cần có những yêu cầu khác nữa. Đó phải là những con người nhìn ra và thấy được những vấn đề của thực tiễn, có đầu óc sáng tạo, dám đổi mới, dám mạo hiểm, thử thách, biết lôi cuốn, thuyết phục người khác cùng công tác thực hiện mục tiêu đề ra.

 

Phẩm chất này, trong nhiều khía cạnh, mâu thuẫn với phẩm cách công chức, trong khi việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp vẫn chỉ có một nguồn duy nhất là đội ngũ công chức, bằng cách chọn lựa phức tạp, ngoắt ngoéo, nhiều tầng nấc, nhưng đặc điểm xuyên suốt là dân chủ hình thức và trách nhiệm không được xác định.

 

Nguồn lãnh đạo chưa được khai thác

 

Chúng ta có bi quan quá không?

 

- Tôi không nghĩ thế, chúng ta đang nói về một số khía cạnh của tình hình thực tế, để biết mình ở đâu, mình muốn gì, làm thế nào để đạt được. Không thể thoát ly mảnh đất mình đang đứng, không thể nắm tóc mình, tự nâng mình lên khỏi mặt đất.

 

"Phát huy dân chủ thì lãnh đạo, cấp trên vất vả hơn, khó khống chế sự việc phát triển theo ý chủ quan của mình. Nhưng chỉ có thế mới tạo điều kiện giải phóng tiềm năng, phát triển, sàng lọc, sử dụng tài năng".
Tôi cho rằng, để thực hiện được những mục tiêu, ý tưởng về cán bộ, phải kiên định đi theo hướng dân chủ hoá công tác cán bộ.

 

Phát huy dân chủ thì lãnh đạo, cấp trên vất vả hơn, khó khống chế sự việc phát triển theo ý chủ quan của mình. Nhưng chỉ có thế mới tạo điều kiện giải phóng tiềm năng, phát triển, sàng lọc, sử dụng tài năng. Không thể vội, phải đi từng bước, nhưng không thể quá chậm.

 

Một số đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân không phải là người của bộ máy, người về hưu hoạt động tích cực và có hiệu quả, được dư luận thừa nhận. Bạn có thấy một bộ phận trí thức không phải là công chức, một số nhà doanh nghiệp tư nhân hoạt động rất chững chạc, tự tin, quyết đoán không?

 

Chính yêu cầu hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm của họ đã đào luyện cho họ bản lĩnh đó. Đội ngũ này sẽ ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, họ phải là nguồn tốt của đội ngũ lãnh đạo. 

 

Về vấn đề quy hoạch cán bộ, ông có suy nghĩ gì?

 

- Quy hoạch là cần thiết nhưng đừng biến quy hoạch thành cái khuôn mẫu, do người đi trước, khoá trước để lại, người đi sau, khoá sau cứ theo thế mà làm. 

 

Quy hoạch là tạo ra điều kiện để những ai muốn và có đủ điều kiện, có thể nhập cuộc một cách sòng phẳng, công khai, không bị gạt bỏ vì bất cứ thủ đoạn nào không chính đáng, vì sự yêu ghét, riêng tư của ai. Quy hoạch như thế phải gắn với công khai, dân chủ, trách nhiệm và tự trách nhiệm. 

 

Hãy chăm lo tạo nguồn, tạo điều kiện để tài năng phát triển, tự đấu tranh khẳng định mình. Các thế hệ cán bộ, đại hội, nhân dân sẽ quyết định chọn người thay mặt mình để ủy nhiệm quyền lực, đúng như Điều lệ, luật pháp quy định. 

  • Lê Nhung - Vân Anh

 

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,