- Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật lần 3, diễn ra ngày 14/8 tại Đà Nẵng, nhận định miền Trung sẽ là tâm điểm phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong tương lai.
Thượng nghị sĩ Iwao Matsuda, Phó Chủ tịch Hội Liên minh hữu nghị Việt - Nhật nói "rất ngạc nhiên" khi Đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sakaba cho hay, không phải Hà Nội hay TP.HCM mà chính miền Trung, trọng điểm là Đà Nẵng, sẽ là tâm điểm phát triển quan hệ kinh tế Việt - Nhật.
Thượng nghị sĩ Iwao Matsuda, Đại sứ Mitsuo Sakaba tham dự Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật lần 3. Ảnh: HC
Đề xuất mở đường bay trực tiếp Nhật Bản - Đà Nẵng
Tuy nhiên, khi đến diễn đàn này, Thượng nghị sĩ tin điều ông Đại sứ nói sẽ thành hiện thực trên cơ sở các doanh nghiệp hai nước hợp tác phát huy tinh thần Monozukuri (sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm có giá trị cho nền kinh tế).
Đại sứ Mitsuo Sakaba giải thích thêm, chỉ nửa năm sau khi tháp tùng chuyến thăm của Thái tử Nhật Bản Naruhito, trong chuyến trở lại lần này, ông nhận thấy "nhiều thay đổi to lớn ở Đà Nẵng với vai trò là TP động lực của miền Trung".
Trong đó, các dự án ODA của Nhật có liên quan sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của TP. Đặc biệt, các dự án về giao thông như cảng, cầu đường… đã đóng góp lớn vào việc phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây và sắp tới đây sẽ là đường cao tốc Bắc - Nam…
“Dựa trên triển vọng trung và dài hạn, tôi nghĩ rằng, việc mở rộng của các doanh nghiệp Nhật vào khu vực Đà Nẵng sẽ tiến triển nhanh. Đến nay có 44 doanh nghiệp Nhật đầu tư tại miền Trung VN, nếu việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phát triển hơn nữa thì sức hấp dẫn địa thế của khu vực này sẽ còn cao hơn”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho hay, hiện có 34 dự án FDI của Nhật Bản với tổng vốn 178 triệu USD, chiếm gần 7% tổng vốn FDI vào địa bàn TP.
Ông Minh khẳng định, trong chiến lược thu hút vốn FDI, Đà Nẵng luôn xác định Nhật Bản là đối tác tiềm năng, đáng tin cậy. Hiện TP đang đề nghị Chính phủ, Vietnam Airlines cùng các hãng lữ hành Nhật Bản xúc tiến mở đường bay trực tiếp từ Nhật đến Đà Nẵng nhằm khai thác thị trường du lịch miền Trung.
Đến mối quan tâm của các doanh nghiệp
Ông Hideo Hosoya, Tổng Giám đốc Công ty Mabuchi Motor, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, dành gần một giờ trình bày quan điểm của các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đặt câu hỏi về triển vọng đầu tư tại miền Trung. Ảnh: HC
Theo ông, so với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng dễ đảm bảo nguồn lao động là công nhân. Tại đây cũng có các trường đại học lớn cung cấp nguồn nhân lực trong tương lai.
Số doanh nghiệp ở đây chưa nhiều nên sự thay đổi công ty của người lao động cũng hạn chế. Mặt khác, giá cả tại miền Trung thấp, giá nhân công rẻ. Nơi ở của người nước ngoài đảm bảo an ninh tốt, ổn định, dễ sống, giá thuê nhà rẻ hơn ở TP.HCM, Hà Nội…
Tuy nhiên, chi phí vận chuyển ở đây còn cao, lượng tàu bè ít, số ngày trên biển dài.
Chẳng hạn, hàng hoá từ Đà Nẵng gửi đi Nhật Bản tốn chi phí gấp 1,5 lần, thời gian gấp đôi so với gửi từ TP.HCM. Tuy nhiên, ông ghi nhận ưu điểm là giao dịch nhanh, thủ tục thuế quan gọn nhẹ.
Các khu công nghiệp còn bị cắt điện luân phiên, chưa trang bị đầy đủ cơ sở xử lý nước thải nên sẽ gây ảnh hưởng môi trường du lịch.
Các DN Nhật tỏ ra hào hứng khi Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH-ĐT) Lê Hữu Quang Huy cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI bao gồm cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư… của khu vực đạt khá cao. Riêng Đà Nẵng có chỉ số PCI đứng đầu cả nước, đồng thời đứng đầu về chỉ số hạ tầng, xếp thứ 4 về môi trường đầu tư…
Ông Hideo Hosoya ghi nhận chính quyền TP Đà Nẵng hợp tác tích cực trong việc ngăn ngừa phát sinh và giải quyết tranh chấp lao động dù điều đó xảy ra không nhiều như ở hai đầu.
Theo ông, “lao động ở đây không có ham muốn phát triển và kiếm tiền” để khuyến cáo các DN Nhật Bản khi tuyển dụng, cần đào tạo về “quy tắc”, “đạo đức”, tạo ra một khu vực “huấn luyện cải thiện ý thức” cho người lao động.
Tuy nhiên, nhận định này không được nhiều DN trong nước đồng tình. Bà Phan Thị Minh, Giám đốc Công ty Nhật Minh cho rằng, cũng như lao động ở phía Nam hay phía Bắc, lao động tại miền Trung đều mong muốn phát triển, nhưng người miền Trung ít có thói quen thay đổi công việc, mà mong muốn được phát triển ở chính nơi mình đang làm việc.
“Đó có thể là mặt hạn chế của lao động ở đây, song lại là thuận lợi lớn đối với các DN. Vấn đề là các DN cần tạo điều kiện cho người lao động phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho họ thăng tiến và kiếm thêm nhiều tiền. Điều đó sẽ càng làm người lao động gắn bó với DN, giúp cho DN thành công. Đó cũng là cơ sở để các DN Nhật Bản thực thi tinh thần Monozukuri mà Thượng nghị sĩ Iwao Matsuda đã nêu”, bà Minh nói.
-
Hải Châu