- Trong di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ và đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Đạo đức cách mạng mà Bác nhấn mạnh chính là những phẩm chất có thể dẫn dắt dân tộc tiến lên.
>> Di chúc Bác Hồ: ’Nhiều điều chúng ta chưa làm được’
Trong 40 năm thực hiện di chúc, điều Bác hằng mong mỏi “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, chúng ta đã thực hiện được “hòa bình, thống nhất, độc lập”. Trong di chúc, Bác dặn nhiều điều quan trọng, cốt tử cho sự nghiệp cách mạng, cho sự phát triển đất nước. Một trong những điều cốt tử đó là Bác nói về Đảng.
Trách nhiệm của một Đảng cầm quyền
“Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Nếu Đảng cầm quyền không xứng tầm, chưa là tinh hoa của đất nước thì sự nghiệp cách mạng không thể thắng lợi. Đây chính là tầm nhìn xuyên lịch sử của Bác.
Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ảnh tư liệu
Di chúc Bác viết trong lúc cả dân tộc đang dồn sức chiến đấu giải phóng miền Nam, đồng thời chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc. Có thể nói đó là thời kỳ ác liệt nhất, cam go nhất nhưng Bác không đề cập nhiều đến lĩnh vực này về mặt chiến lược và chiến thuật để thắng Mỹ. Nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác hầu như khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài mấy năm nữa”, nghĩa là Bác đã dự báo sẽ thắng lợi và thời gian ngắn chỉ “mấy năm nữa”.
Điều Bác trăn trở, dồn tâm huyết chính là tương lai, Đảng của thì tương lai, xây dựng Đảng phải ngang tầm để xây dựng tương lai.
Tầm vóc của Đảng cầm quyền có thể nói gọn lại là trí tuệ và đạo đức của Đảng. “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Với tư cách là đội tiên phong, là người lãnh đạo thì trí tuệ cũng là đạo đức. Đảng cầm quyền phải có trí tuệ để giải quyết những vấn đề thực tiễn, đưa xã hội phát triển. Trí tuệ ở đây đồng nghĩa với đạo đức.
40 năm thực hiện di chúc Hồ Chủ tịch
Bác lo lắng nhiều nhất và chỉ ra khi thắng Mỹ nhất định phải chỉnh đốn Đảng. Với Đảng cầm quyền, mục tiêu không có gì khác là đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân dân, “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đấy mới là đạo đức cao nhất.
Chính vì vậy, Bác nhấn mạnh đến khía cạnh: “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Bởi với lãnh đạo mà để xã hội kém phát triển, là tụt hậu so với thiên hạ, chạy theo thiên hạ thì không thể nói là đạo đức mà là có tội với nhân dân. Đạo đức không chỉ hiểu cụ thể quan hệ tốt, là trong sạch của bản thân mình (tuy điều đó rất cần) mà đạo đức là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Một khi cán bộ, đảng viên không có được phẩm chất đó thì sự nghiệp cách mạng của Đảng không thể thắng lợi.
Bác yêu cầu Đảng phải là đội tiên phong, là tập hợp những người tinh hoa của đất nước, “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”.
Trong di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ và đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Đạo đức cách mạng mà Bác nhấn mạnh chính là những phẩm chất có thể dẫn dắt dân tộc tiến lên.
Bệnh "quan cách mạng"
Trước khi Bác mất 7 tháng, nhân kỷ niệm thành lập Đảng lần thứ 39 (3/2/1969), trong bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Người phê phán gay gắt bệnh "quan cách mạng".
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969. Ảnh tư liệu
Quan cách mạng chính là bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, hẹp hòi, quân phiệt quan liêu, ham chuộng hình thức, làm việc bàn giấy xa rời nhân dân, kiêu ngạo, tự mãn, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, "óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia", chỉ "lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư", giữ thói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, đem bà con bằng hữu đặt vào chức này, việc kia", rồi "không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau", làm hỏng việc của đất nước, mất niềm tin của nhân dân.
Người đã tiên liệu về những nguy cơ trên sẽ tồn tại, ăn sâu và bén rễ trong Đảng. Vì vậy, trong di chúc, Bác chỉ ra cần phải có một cuộc chỉnh đốn Đảng toàn diện.
40 năm trôi qua nhưng những căn bệnh mà Bác cảnh báo không hề thuyên giảm, thậm chí nhiều vấn đề hiện nay còn trầm trọng hơn. Điều này thể hiện qua sự đánh giá của các kỳ Đại hội Đảng.
Do đó, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng cần có cơ chế dân chủ chọn lựa những tinh hoa nhất của Đảng vào vị trí lãnh đạo các cấp. Chính quá trình chọn lọc công khai, minh bạch sẽ tìm ra được những nhà lãnh đạo có đầy đủ trí tuệ, nhân cách xứng đáng lãnh đạo dân tộc trong giai đoạn hiện nay và sẽ thực hiện được đầy đủ di chúc của Người.
-
Nguyễn Đăng Tấn