- "Trong di chúc, Bác vẫn để chữ "dân chủ" trước chữ "giàu mạnh", không dân chủ thì cũng khó mà giàu mạnh được", GS sử học Đinh Xuân Lâm chia sẻ nhân 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo GS, bản di chúc là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá. Những điều Bác mong muốn và căn dặn trong di chúc dù rất giản dị, nhưng đã thể hiện trong đó những giá trị tư tưởng lớn của một trí tuệ mẫn tiệp, có tầm nhìn xa trông rộng và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cao cả.
Bản di chúc đã tổng kết một cuộc đời hoạt động và một sự nghiệp cách mạng, đồng thời đề cập những vấn đề trọng đại mà hiện tại chúng ta cần giải quyết để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên.
Tất cả vì dân
GS Đinh Xuân Lâm: Tôi nghĩ rằng càng mở rộng dân chủ thì càng làm tăng sức mạnh của Đảng. Ảnh: Cao Nhật
Trong một bài viết gần đây, GS đã nhấn mạnh giá trị nhân văn của di chúc Bác Hồ. Theo GS thì giá trị nhân văn đó ngày nay cần được hiểu và vận dụng như thế nào vào thực tiễn?
- Tôi thấy điều đặc biệt quan trọng trong di chúc là văn kiện đó đã được viết trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn cao đẹp. Từ đầu đến cuối đều toát ra tư tưởng tất cả là vì con người, vì quyền lợi người dân.
Vì vậy, để thực hiện di chúc của Bác có kết quả thì Đảng phải vận dụng chính sách như thế nào để mang lại quyền lợi chính đáng cho con người, cho các tầng lớp nhân dân.
Bác đã từng phát biểu rằng nếu "nước được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì".
Một vấn đề rất quan trọng nữa là lòng tin. Bây giờ có nhiều điều được nói tới nhưng làm lại không đúng với lời tuyên bố. Đảng phải làm tốt, cán bộ phải gương mẫu thì mới tạo được lòng tin. Mà một khi đã tạo được lòng tin cho nhân dân thì mọi việc đều sẽ được thực hiện một cách tốt đẹp.
"Bảo bối" của Đảng
Thưa GS, trong di chúc, Bác đã dành sự trăn trở đầu tiên cho Đảng, những trăn trở và lời căn dặn của Bác đến nay có giá trị như thế nào trong việc xây dựng Đảng?
- Trong di chúc, Bác đã đặc biệt nhấn mạnh tới một vũ khí vô địch, có thể nói là một "bảo bối", đó là truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta.
Nhưng để phát huy được truyền thống đó, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình.
Trong kháng chiến, chúng ta có điều kiện dễ hơn để củng cố, phát triển khối đoàn kết vì tất cả nhắm vào mục tiêu trước mắt là đánh đuổi kẻ thù giải phóng dân tộc.
Nhưng trong thời bình, có nhiều yếu tố tác động phức tạp lắm, nên đứng về mặt lãnh đạo của Đảng cần phải rất sáng suốt, rất công minh trong đường lối chính sách thì mới xây dựng và củng cố được thật sự vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.
Ảnh tư liệu |
Hiện nay vấn đề dân chủ trong một chừng mực và một phạm vi nào đó vẫn chưa được chúng ta làm tốt như Bác căn dặn và mong muốn trong di chúc.
Đành rằng nước ta từ một xã hội phong kiến bước sang xã hội dân chủ thì không có dễ dàng vì có nhiều quan niệm cũ còn níu kéo, nhưng chúng ta cần phải ý thức để khắc phục.
Trong một hội thảo gần đây kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc của Bác, nhiều báo cáo của các nhà khoa học đều nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng.
Đảng ta là một đảng cầm quyền, nhưng cầm quyền như thế nào, trong khuôn khổ nào, tới chừng mực nào, đó là những vấn đề cần được đặt ra và nghiên cứu thực hiện một cách đúng đắn, có lợi cho sự nghiệp cách mạng.
40 năm thực hiện di chúc Hồ Chủ tịch
Tôi cũng cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn là nhiệm vụ hàng đầu bây giờ. Di chúc của Bác cũng viết rất rõ, một mặt nói lên vai trò và vị trí một đảng cầm quyền, đồng thời cũng cảnh giác đề phòng nguy cơ suy thoái và nhắc nhở: "Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Đảng đã và đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây cũng chính là một việc làm thể hiện quyết tâm thực hiện những căn dặn trong di chúc của Người?
- Tôi cho rằng cuộc vận động rất cần thiết trong tình hình hiện nay nhưng cần học tập thật sự thấm nhuần để hành động.
Kết quả không được dừng lại ở nói nhiều hơn làm. Theo tôi, đảng viên, cán bộ và kể cả các vị lãnh đạo phải đề cao việc học tập và làm theo trước tiên.
- Cao Nhật