- Muốn biết thủ tục hành chính công có hiệu quả, thân thiện, đơn giản hay không thì cơ quan công quyền cần tạo kênh phản hồi, chủ động hỏi dân ý kiến của họ - ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính (CCHC) và phòng chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nói.
UNDP vừa cùng Bộ Nội vụ Việt Nam khởi động dự án có trị giá 4,3 triệu USD, kéo dài trong 3 năm, có mục tiêu thiết kế và thí điểm hệ thống các chỉ số giám sát, đánh giá về CCHC.
Ông Jairo Acuna Alfaro. Ảnh: UNDP |
Không phát sinh thủ tục "con"
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, việc Thủ tướng giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương phải đơn giản hóa tối thiểu 30% thủ tục hành chính (TTHC) trong giai đoạn 2 của Đề án 30 cho thấy Thủ tướng đã đặt ra những “thách thức” cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương.
Con số 30% là khả thi. Nếu kết thúc giai đoạn thực hiện mà đảm bảo “đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa được tối thiểu 30% các TTHC” thì tuyệt vời.
Để đơn giản hóa TTHC hiệu quả, cần lưu tâm vấn đề gì, thưa ông?
Đặt mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC nhưng Việt Nam phải bảo đảm không có những TTHC "con" phát sinh, thay thế thủ tục cũ. Do đó, khi thực hiện, Việt Nam cần tiến hành giám sát.
Điều đó có nghĩa không chỉ đặt ra mục tiêu đơn giản hóa, hay cắt giảm các TTHC mà phải đảm bảo liên tục giám sát và xử lý trong trường hợp có phát sinh những TTHC mới khác. Đơn giản hóa TTHC phải loại bỏ được các quy định không cần thiết, không hợp lý cũng như nâng cao chất lượng các quy định về TTHC.
Tạo kênh phản hồi
Khâu tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá về CCHC là vấn đề tồn tại hiện nay. Theo ông, làm thế nào để việc giám sát thực hiện hiệu quả? Cơ quan nào thực hiện chức năng giám sát thích hợp, hiệu quả?
Tôi cho rằng có thể thiết lập cơ quan giám sát tự chủ, tự quản, có chức năng và quyền hạn giám sát và tư vấn cho Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính. Nhưng điều quan trọng là khi cung cấp các dịch vụ công cho người dân, cơ quan chức năng phải luôn chủ động hỏi xem người dân cảm thấy hài lòng ra sao về dịch vụ hành chính được cung cấp.
Muốn biết thủ tục hành chính công có hiệu quả, thân thiện, đơn giản hay không thì các cơ quan công quyền cần tạo kênh phản hồi để người sử dụng dịch vụ được phản ánh quan điểm của họ về chất lượng dịch vụ hành chính công.
Một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện chiến dịch thăm dò ý kiến của người dân về những thủ tục hành chính công không thân thiện nhất, nhằm giúp các nhà chức trách xác định được những thủ tục cần cắt bỏ.
Ví dụ, năm 2008, qua khảo sát, giới chức Mexico đã nhận được hơn 20.000 ý kiến phản hồi về những thủ tục hành chính không thân thiện nhất, trong khi đó quốc gia này chỉ có hơn 4.000 loại thủ tục hành chính.
Nói chung, để thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá, cần phải trực tiếp hỏi người sử dụng quan điểm của họ về chất lượng dịch vụ. Nếu trả lời của người sử dụng cho thấy dịch vụ hành chính chưa đạt thì bộ máy hành chính còn phải nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã chủ trương và ban hành nhiều văn bản pháp lý để đảm bảo việc thực hiện CCHC mạnh mẽ, nhanh chóng. Vấn đề mấu chốt để CCHC thành công, theo ông?
Đó là vấn đề “đầu ra”. Chủ trương, chính sách hay văn bản pháp lý mới chỉ là “đầu vào”. Vấn đề mấu chốt không phải là có bao nhiêu TTHC mà là người dân cảm thấy thế nào về chất lượng của chính sách, văn bản pháp lý, và việc thực hiện các TTHC đó đến đâu. Như tôi đã nói, ý kiến phản hồi của người sử dụng về chất lượng dịch vụ hành chính công là một công cụ hữu hiệu để đo mức độ thành công của CCHC.
Tính đến tháng 5/2009, cả nước đã thống kê hơn 28.000 hồ sơ, thủ tục hành chính. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, xây dựng, hoạch định thể chế, chính sách, tạo lập các cơ chế, biện pháp cải cách là khó, nhưng sau khi ban hành thì "khâu tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá lại chưa được coi trọng". |
-
Xuân Linh