- Theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chính phủ đang chuẩn bị bước đệm cho việc khôi phục lại kinh tế sau khi kết thúc gói kích cầu bằng việc giảm dần cấp bù lãi suất 4% và thu hẹp các đối tượng, ưu tiên những DN sự dụng nhiều lao động, khai thác tốt thị trường nông thôn...
Tránh hụt hẫng
Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ vừa trình Thủ tướng một số biện pháp điều hành kinh tế thời gian tới. Cụ thể là những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: LN
- Có bốn giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh và thực hiện có kết quả gói kích cầu cấp bù lãi suất 4%.
Đến nay đã giải ngân được 75%, thời gian tới phải làm nhanh, trúng địa chỉ và giám sát để hiệu quả hơn. Với các khoản cấp bù lãi suất bổ sung kéo dài hai năm đến 2011 thì một mặt, hoàn tất hồ sơ, giải ngân thật nhanh, mặt khác kiểm soát chặt chẽ, phát huy hiệu quả.
Thứ hai, Hội đồng cũng đưa ra kế hoạch thu hẹp đối tượng và giảm dần mức hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn kích cầu vừa qua, chúng ta thực hiện bao cấp, nên cần giải pháp hỗ trợ để tránh hụt hẫng khi gói kích cầu kết thúc vào 31/12.
Giải pháp thứ ba là tìm hướng đi để nền kinh tế tiếp tục phát triển sau khủng hoảng và thứ tư là tái cấu trúc nền kinh tế.
Các nội dung cụ thể của kế hoạch chuẩn bị bước đệm cho nền kinh tế sau khi kết thúc gói kích cầu là gì, thưa ông? Liệu Chính phủ có tính đến gói kích cầu thứ hai?
- Nếu kéo dài chính sách hỗ trợ thì nền kinh tế trì trệ, ỷ lại, không đem lại sự công bằng. Nhưng mục tiêu của chúng ta là chống suy giảm.
Việc chống suy giảm vừa mới có kết quả song còn chưa vững chắc. Vì vậy, vẫn cần sử dụng tất cả các biện pháp kích thích kinh tế như thế nào để vừa tiếp tục chống suy giảm lại vừa chặn được lạm phát.
Như vậy, không phải Chính phủ tiếp tục tung ra một gói tiền tương tự như gói kích cầu lần một, với lãi suất hỗ trợ, thời gian hỗ trợ như trước mà thực chất là đang tính toán tìm biện pháp để thu hẹp phạm vi và đối tượng.
Nếu không giải thích rõ, các doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục trông chờ vào việc Chính phủ tung ra một gói tiền nữa.
"Muốn cho gói giải pháp giai đoạn 2 phát huy hiệu quả thì phải quan tâm đến chất lượng điều hành của Chính phủ và chính quyền theo hướng thông thoáng, minh bạch, công khai".
Việc thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ sẽ được làm như thế nào?
- Thủ tướng đã giao các cơ quan Chính phủ chuẩn bị chương trình tổng thể chống suy giảm kinh tế giai đoạn 2.
Bây giờ đang thực hiện cấp bù lãi suất 4% nhưng sắp tới sẽ giảm xuống dần. Phạm vi đối tượng cũng thu hẹp, chỉ ưu tiên những đơn vị sử dụng nhiều lao động, làm ra nhiều của cải, khai thác tốt thị trường nông thôn... Thời hạn cũng rút ngắn dần.
Hội đồng tư vấn cũng kiến nghị bổ sung thêm ba động thái mới. Thứ nhất là chủ trương tăng đầu tư cho nông thôn, tập trung cho vay đầu tư thủy lợi, mua vật tư máy móc nông nghiệp... để tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng sức mua.
Thứ hai, tổ chức lại thị trường tiêu dùng nội địa để người VN dùng hàng VN chất lượng cao.
Vấn đề thứ ba là điều hành. Muốn cho gói giải pháp giai đoạn 2 phát huy hiệu quả thì phải quan tâm đến chất lượng điều hành của Chính phủ và chính quyền theo hướng thông thoáng, minh bạch, công khai.
Chương trình chống suy giảm giai đoạn hai phải làm tổng thể như vậy. Còn nếu làm như cũ thì không mấy tác dụng.
"Đợi hết năm mới quy được trách nhiệm"
Như vậy, phải chăng việc hỗ trợ lãi suất trong thời gian vừa qua vẫn làm cào bằng và tràn lan?
- Trong tình huống lúc đó, chúng ta buộc phải làm nhanh. Đó là giải pháp tình thế nên phải làm mạnh mẽ, hỗ trợ cho tất cả đối tượng.
Đến lúc này, nói chung hiệu quả cũng tốt. Nhờ chính sách cấp bù lãi suất 4%, những DN khó khăn nhất đều đã vượt qua. Chính sách giảm thuế cũng góp phần hỗ trợ cho những DN đang làm ăn khấm khá.
Nhưng có không ít ý kiến lo ngại việc tiền chảy vào chứng khoán và bất động sản làm giảm hiệu quả thực sự của gói kích cầu. Theo ông, việc giám sát tài chính vừa qua đã được thực hiện như thế nào?
- Vào chứng khoán, bất động sản hay đảo nợ là không tránh khỏi. Vì làm nhanh, rộng và khẩn trương thì chắc chắn không thể tránh khỏi rủi ro.
Nhưng ngay lúc triển khai, Chính phủ đã đưa ra ba giải pháp là trên cơ sở định hướng mục tiêu chung thì ban hành quy định những khu vực nào không được vay; thứ hai là quy trách nhiệm, nếu cho vay sai đối tượng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra là kiểm tra thường xuyên để chặn lại các sai phạm.
Tuy nhiên, để quy trách nhiệm, phải đợi đến hết năm nay mới có thể biết được đúng hay sai.
Chính phủ cũng đã lập Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Làm thế nào để mô hình này phát huy được hiệu quả, hạn chế được rủi ro và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?
- Trên thế giới có hai mô hình giám sát tài chính.
Mô hình thứ nhất chiếm đa số ở các nước là ban giám sát trực thuộc Chính phủ, thâu tóm tất cả hoạt động và làm thay chức năng thanh tra chuyên ngành. Họ có bộ máy rộng, đội ngũ chuyên môn cao.
Một mô hình khác là giao hết quyền về cho thanh tra chuyên ngành còn Chính phủ là khâu nối.
Để chọn mô hình cho Việt Nam, phải có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ giữa ủy ban giám sát và thanh tra chuyên ngành, phân định trách nhiệm rõ ràng. Nếu không, sẽ khó quy trách nhiệm đảm bảo an ninh cho hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán.
Việt Nam đã lập ủy ban giám sát nhưng đang tồn tại một vấn đề là ranh giới giữa ban giám sát và thanh tra chuyên ngành chưa được làm rõ.
Chẳng hạn, ban giám sát của ngân hàng chịu trách nhiệm về an toàn cho hệ thống tài chính. Nhưng nếu lại bị thêm một "anh" ở trên can thiệp thì sẽ không làm được việc
Nhưng ngược lại, nếu đã có ban giám sát ở trên, lại có thêm thanh tra chuyên ngành bên dưới nữa thì "anh" cũng không có việc làm, bị vô hiệu hóa. Số liệu lấy từ đâu? Người có chuyên môn cũng không có?
Trước mắt, cứ làm theo các quy định của Chính phủ, còn về lâu dài phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ. Cơ quan giám sát do Thủ tướng lập ra, chưa được đưa vào luật. Cũng có thể làm thí điểm một thời gian.
-
Lê Nhung