Đây là đề xuất của một độc giả tự nhận "bị các thủ tục hành chính "hành" khá thường xuyên": ông Lê Văn Nghĩa (quận 10, TP.HCM).
Ông Nghĩa cho rằng những người có thẩm quyền luôn phải tự đặt câu hỏi liệu các TTHC khi ra đời có làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không, có làm người dân mất nhiều thời gian không... Chưa kể, còn phải cân nhắc xem văn bản ấy, quy định ấy có trái luật không.
Chỉ số tín nhiệm
Một độc giả khác từ TP.HCM, Trần Văn Thu (quận Gò Vấp) nhận xét: "Cải cách hành chính là tất yếu, nhưng xét cho cùng cũng xuất phát từ con người. Sự thành hay bại của bất kỳ cuộc cải cách nào đều do nhân tố con người quyết định. Chủ trương đúng nhưng con người không muốn làm hay làm không đến nơi đến chốn thì cải cách cũng sẽ phản tác dụng".
Ảnh: Lê Nhung |
Bạn đọc Hoàng Lương Hiển (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho rằng: "Chúng ta hô hào nhiều về cải cách hành chính, đã tốn không ít tiền để làm việc này. Nhưng theo tôi hiểu thì đó phải là ý thức của cán bộ công quyền".
Cũng chung quan điểm này, độc giả Nguyễn Tài An Định (Thanh Hóa) đề xuất Nhà nước "nên dùng chỉ số tín nhiệm để người dân đánh giá năng lực và trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành và từng cấp lãnh đạo (xã, phường, quận, huyện...). Căn cứ vào mức độ hài lòng của người dân để đề bạt, khen thưởng hoặc kỷ luật cán bộ, công chức".
"Một cửa" xin đừng "nhiều khóa"
Theo ông Lê Quang Dần (quận Lê Chân, Hải Phòng), Chính phủ phải quyết định tách mọi dịch vụ hành chính công do bộ máy hành chính các cấp đảm nhiệm về bộ phận "một cửa" theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Quyết định đã có, xong thực tế ở nhiều nơi, "một cửa" lại trở thành "lắm ngách, nhiều khóa" vẫn làm khổ dân. Độc giả Nguyễn Cường (Hà Nội) nêu ví dụ cụ thể từ quan sát cách làm việc ở cửa khẩu Bằng Tường của hải quan Trung Quốc.
Phía trước mỗi bàn làm việc của nhân viên cửa khẩu có 3 phím xanh - đỏ - vàng để người dân ấn nút, tương đương với các mức độ tốt - xấu - trung bình.
Nếu người dân nhận xét xấu thì lập tức đèn đỏ sẽ nháy và còi "báo động" réo liên tục để gây sự chú ý của người dân, đồng thời bị lưu lại trên bộ nhớ. Qua các số liệu lưu trữ, cơ quan quản lý có thể loại bỏ nhân viên nhũng nhiễu, tiêu cực. Nếu chuông bị hỏng và số ý kiến đánh giá của dân không khớp và thiếu thì chắc chắn có khuất tất.
Nhân viên nào bị 3 lần đèn đỏ sẽ bị đuổi việc. Nếu dân nhận xét sai thì người nhân viên đó có quyền yêu cầu người nhận xét phải giải thích, với sự có mặt của người quản lý và có ghi thành văn bản.
Chứng minh thư "đa năng"
Đề xuất sử dụng số chứng minh thư nhân dân chung với mã số thuế cá nhân và số tài khoản ngân hàng, bạn đọc Dương Văn Thức (Thái Nguyên) cũng gợi ý nên cấp chung cho mỗi công dân khi sinh ra một mã số riêng, đồng thời nên sử dụng chứng minh thư dạng thẻ điện tử.
Độc giả Phạm Xuân Dương (Long Biên, Hà Nội) lại "hiến kế" với 2 ý tưởng: Thứ nhất, số hóa từng cá nhân bằng cách mỗi người có một thẻ căn cước có ID riêng, được lưu trữ tại công an, cơ quan thuế, hải quan, v.v.... Trong trường hợp không có ID thì có thể dùng mã số thuế, hộ chiếu, bằng lái xe và chứng minh thư thay thế. Cùng với đó là bãi bỏ ngay hộ khẩu, chỉ thích hợp dưới thời bao cấp, phân phối theo tem phiếu.
Thứ hai là lắp các camera quan sát những nơi cán bộ tiếp xúc trực tiếp với dân như đăng ký ô tô, xe máy, công chứng, cấp sổ đỏ, thuế, hải quan để kiểm soát ít nhất là thái độ của công chức với người dân. Cùng với đó là niêm yết quy chế khiếu nại và nơi tiếp nhận khiếu nại của công dân có sử dụng băng hình. Nơi tiếp nhận khiếu nại phải độc lập tương đối với nơi bị khiếu nại. "Những giải pháp trên hoàn toàn có thể thực hiện được với ngân sách dành cho Đề án 30", độc giả Dương tin tưởng.
- Cao Nhật
Bài tiếp theo: Khi 'hủ tục' còn trong tư duy người 'cầm' thủ tục
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi!
Đường dây nóng: (092)345-7788 hoặc (04)3772-2729.