- Nữ công chức phòng thanh tra quận nói: "Hà Đông chưa bao giờ có giấy biên nhận hồ sơ. Bây giờ ai cần thì tôi viết". Rồi cô xé đôi tờ giấy A4... Tình huống ở phòng tiếp dân của UBND quận Hà Đông, Hà Nội, theo PGS Nguyễn Thu Linh, cho thấy thủ tục hành chính (TTHC) bị coi thường như thế nào.
Mặc dù Hà Tây đã sáp nhập với Hà Nội từ tháng 7/2008 nhưng tại phòng tiếp dân của UBND quận Hà Đông, đến ngày 27/8/2009 vẫn treo bảng đề “Nội quy tiếp dân” từ thời còn tỉnh Hà Tây.
Người dân đến đây chỉ được tiếp cận thông tin duy nhất qua bảng nội quy này. Đọc vào đó, chỉ thấy yêu cầu dân phải có đơn, quần áo phải gọn gàng, sạch sẽ; phải có ý thức giữ gìn trật tự. Và dân chỉ biết chung chung rằng: "Cán bộ tiếp dân phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại quy chế tiếp công dân của Chính phủ và của tỉnh". Song cái nhiệm vụ và quyền hạn được quy định bởi một tỉnh đã không còn tồn tại ấy là gì thì dân không được biết.
Ảnh: NTL |
Hơn nữa, Pháp lệnh cán bộ, công chức đã phân biệt rõ ai là cán bộ, ai là công chức. Vậy mà UBND quận Hà Đông vẫn dùng từ cán bộ ở “Nội quy tiếp dân” trong khi chức phận của cán bộ và công chức là khác nhau. Thậm chí quy định ghi tháng có 2 lần tiếp dân nhưng cũng khi có, khi không.
Đặc biệt, từ ông chủ tịch UBND quận cho đến bộ máy tham mưu thuộc các phòng, ban khi ra tiếp dân đều không đeo biển công chức (ghi rõ tên, chức vụ, ảnh...) như quy định của Chính phủ. Khi nhận đơn, hồ sơ của công dân cũng nhất quyết không chịu có giấy biên nhận (giấy này theo quy định phải ghi rõ ngày nhận, thời gian thẩm định xong hồ sơ để có cơ sở xác định thời gian có kết quả giải quyết đề nghị của dân).
Thậm chí, trước yêu cầu quyết liệt của dân do phải chầu chực nhiều năm mà không được giải quyết thì nữ công chức phòng thanh tra của Hà Đông còn hồn nhiên trả lời rằng: "Hà Đông xưa nay chưa bao giờ có giấy biên nhận đơn, hồ sơ đối với công dân. Bây giờ ai cần thì tôi viết". Rồi cô thản nhiên dùng tay xé đôi tờ giấy A4 viết vài dòng với nội dung đã nhận hồ sơ của ai đó. Không rõ mảnh giấy xé đôi đó, với chữ ký của một người không rõ chức phận công chức, liệu có giá trị pháp lý?
Tại sao trong thủ tục tiếp dân quy định phải có giấy biên nhận hồ sơ của công dân nhưng đa phần công chức từ chối? Khó khăn chính là ở chỗ dòng chảy công việc trong nội bộ cơ quan hành chính hoặc giữa các cơ quan với nhau bị tắc lại ở một chỗ nào đó vì một công chức quản lý hoặc thừa hành nào đó phạm lỗi khi thi hành công vụ do tham nhũng, do yếu kém về nghiệp vụ. Song vì “tế nhị” với nhau nên các công chức thường dùng thủ thuật đùn đẩy, "đá bóng" hoặc bỏ bê không giải quyết quyền hợp pháp của công dân.
Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, đọc trang web về TTHC của chính quyền vùng Patong, Phuket, ngay ở phần đầu có giới thiệu: Chính quyền Patong là tổ chức chính quyền vùng do dân bầu ra thể hiện sự dân chủ, minh bạch vì người dân có thể trực tiếp tham gia và phát triển.
Trách nhiệm của chính quyền vùng: Xây dựng, sửa chữa, chăm sóc đường phố và dòng sông; cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho nông nghiệp; làm sạch đường phố và thu gom rác; bảo vệ và chăm sóc tài nguyên, thiên nhiên và môi trường; cung cấp điện, giúp dân trong hạn hán, lụt lội; hỗ trợ phát triển giáo dục, tôn giáo, văn hóa, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, người già; quản lý thương mại...
Tiếp theo là hướng dẫn cụ thể các thủ tục thuộc phòng đăng ký nhân khẩu liên quan đến khai sinh, chứng tử, xin cấp số nhà, báo sửa chữa nhà hoặc xây nhà, thủ tục trong cấp chứng minh thư, nộp thuế bất động sản...
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, Việt Nam chịu sự ràng buộc chặt chẽ của luật pháp quốc tế nhiều hơn, đòi hỏi TTHC phải phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trong thành lập tổ chức, trong xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng đất đai, xuất nhập cảnh, khai sinh khai tử, nộp thuế...
Chúng ta còn nhớ, ngay sau những thắng lợi bước đầu cởi trói về kinh tế, từ nhu cầu của nhân dân và của chính Nhà nước, Chính phủ đã chọn rất đúng khâu đột phá để phục vụ yêu cầu mở cửa, đổi mới phát triển kinh tế. Khâu đột phá đó là cải cách TTHC và Chính phủ đã thể hiện cam kết này thông qua việc ban hành Nghị quyết 38 CP (4/5/1994).
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện cải cách trong lĩnh vực này, có thể thấy, để cải cách TTHC giai đoạn 2007-2010 tránh được tình trạng lên được một bước lại lùi hai bước, cần sự trao đổi rộng rãi trong xã hội để làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nói trên và hiểu thế nào cho đúng yêu cầu “đơn giản hóa”.
Hoạt động hành chính nói chung, cũng như thực hiện TTHC nói riêng, giống như trồng cây, phải thường xuyên tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ. Công chức, nếu chỉ khoanh vùng lợi ích (thuận tiện) cho bản thân mà không thấy vai công bộc ở đâu, thì dù nỗ lực cải cách nhiều lần TTHC, chúng ta vẫn không thoát khỏi tư duy "sau lũy tre làng" hành dân.
-
PGS Nguyễn Thu Linh (Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển)
Bài tiếp: Công chức túng nên phải "tính"Nếu bạn chưa hài lòng về các thủ tục hành chính,
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi!
Đường dây nóng: (092)345-7788 hoặc (04)3772-2729.