221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1234161
Gói kích cầu: Đã hoàn thành sứ mạng giải cứu?
1
Article
null
Gói kích cầu: Đã hoàn thành sứ mạng giải cứu?
,

 - 6 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã có 650 doanh nghiệp mới thành lập. Nhờ kích cầu, tỉnh đã tạo việc làm cho trên 35.000 người... Những con số lạc quan này được ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra tại hội thảo đánh giá các giải pháp kích cầu do UB Kinh tế QH tổ chức ngày 7- 8/9 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả gói kích cầu, bàn về hiệu ứng phụ của gói hỗ trợ 4% lãi suất và tìm giải pháp cho năm 2010.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó Chủ nhiệm Vũ Viết Ngoạn bên hành lang hội thảo.  Ảnh: Lê Nhung
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó Chủ nhiệm Vũ Viết Ngoạn bên hành lang hội thảo.  Ảnh: Lê Nhung
Nhận định chung là dường như "Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng tương đối nhanh" (đại diện IMF, ông Benedict Bingham) và gói kích cầu của Chính phủ bước đầu đã "hoàn thành sứ mệnh giải cứu nền kinh tế" (Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên).

Các diễn giả chỉ ra, tình trạng thất nghiệp không quá nghiêm trọng như dự kiến. Đời sống người dân không bị ảnh hưởng. Tình hình không bi đát như quan ngại hồi đầu năm.

"Có vẻ như không cần chi nhiều tiền kích cầu thì vẫn khôi phục được kinh tế", ông Thiên nói.

Tình hình khả quan đến vậy phải chăng do hiệu ứng của gói kích cầu? Đến lúc này, Chính phủ đã chi bao nhiêu trong số tiền 8 tỷ USD cam kết? Bao nhiêu DN được thụ hưởng khoản hỗ trợ này và giám sát ra sao để dòng tiền không "bơm" vào chứng khoán, bất động sản?

Ít doanh nghiệp bị phá sản hơn dự kiến

Được mổ xẻ nhiều nhất là gói hỗ trợ lãi suất 4%. Mỗi diễn giả có một "ước đoán" về số tiền được giải ngân.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 7 là 403.448 tỷ đồng. Số tiền này được NHNN rót qua các NH thương mại. Đã có hàng chục triệu hộ kinh doanh cá thể được vay. Với gói hỗ trợ kéo dài hai năm thì đến hết tháng 7 mới rót khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ông Tiến nhẩm tính, chỉ riêng số tiền cho vay ngắn hạn hỗ trợ lãi suất 4% ước vào khoảng 630 ngàn tỷ đồng.

Đại diện NHNN cũng cam kết về việc tiền được phân bổ đều, không ưu đãi cho "đại gia" và giám sát dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản. Tính đến hết tháng 7, dư nợ cho vay đầu tư bất động sản chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán chưa đến 0,6%.

Gói hỗ trợ lãi suất đi kèm với miễn giảm thuế được cho là đã tạo điều kiện giúp DN, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, tạo được việc làm.

Thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia Cao Sĩ Kiêm, người "kêu" rất nhiều về cái chết lâm sàng của DN, đến nay cũng hài lòng cho rằng "số DN bị phá sản ít hơn dự kiến".

DN dân doanh: Sẵn sàng chịu cực

Tuy nhiên, không phải tất cả đều "phấn khởi" trước thành tựu Việt Nam sớm ra khỏi khủng hoảng bởi Chính phủ chưa công khai rạch ròi đâu là khoản chi giải cứu nền kinh tế (với các điều kiện đặc biệt) và đâu là khoản chi thường niên trong điều kiện bình thường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có hỗ trợ lãi suất thì DN vẫn tự xoay xở.

"Đáng lưu ý là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã có những vận động uyển chuyển", ông Nguyễn Hữu Từ (Văn phòng Trung ương Đảng) phân tích.

Khu vực kinh tế năng động này đã nhanh chóng đón ngay các cơ hội phát triển như quay về thị trường nội địa, thị trường nông thôn, không đợi đến khi được giải cứu. Nhiều DN áp dụng các chiến lược mới nhằm làm trong sạch tài chính và để có điều kiện vay vốn.

TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng, DN tư nhân sẵn sàng chịu cực và có những chiến lược thay đổi năng động, ngay bản thân các giám đốc tự giảm lương một nửa.

Thống kê của NHNN cho thấy, 67% số tiền cho vay được rót về khu vực dân doanh, 15,6% cho DN nhà nước và 17,4% còn lại dành cho các hợp tác xã và hộ gia đình.

Có cần gói kích cầu thứ hai?

Bên cạnh tác dụng "giải cứu", đại diện NHNN thừa nhận, chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất có một số tác động bất lợi.

Lãi suất cho vay bằng tiền đồng sau khi được hỗ trợ đã ngang bằng với lãi suất cho vay ngoại tệ. DN nhập khẩu xoay sang vay Việt Nam đồng và mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng về thanh khoản ngoại tệ.

Trước tình hình này, NHNN đã kiến nghị Chính phủ giảm dần để tiến tới chấm dứt hẳn hỗ trợ lãi suất. Ông Benedict Bingham (đại diện IMF) cũng khuyến cáo khả năng mất cân bằng cán cân thanh toán, cũng như thâm hụt ngân sách.

Một vấn đề khác được đặt ra nhưng chưa được thảo luận kỹ, đó là chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về việc giao các bộ tìm "bước đệm" cho nền kinh tế khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc. Mặt khác, nếu hết năm nay chưa chi hết (hoặc vượt quá) gói tiền kích cầu thì có nên tiếp tục?

"Một chương trình kích thích kinh tế cho năm 2010 sẽ phải đưa ra các giải pháp khác, không lặp lại chương trình cho vay có bù đắp lãi suất như vừa qua. Còn nếu chi hỗ trợ DN mà vượt quá số tiền dự kiến thì Chính phủ sẽ phải xem xét", ông Nguyễn Đồng Tiến cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, nếu không dùng hết gói kích cầu, cũng nên dừng đúng thời hạn. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, nên đầu tư tăng lương khu vực nhà nước và giải tỏa các nút thắt tăng trưởng. Còn kích cầu tiếp hay không, cần đối chiếu với các tiêu chuẩn đã đề ra.

TS Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị nên sử dụng chính sách tài khóa để giải quyết các vấn đề như giảm quy mô gói kích cầu cho phù hợp khả năng ngân sách và giữ thâm hụt ngân sách ở mức chấp nhận được, tài trợ thâm hụt bằng phát hành trái phiếu Việt Nam đồng thay vì USD...

Như vậy, hầu như có rất ít lo ngại về sự trở lại của lạm phát ở tốc độ cao như các nhận định khi bắt đầu tung ra gói kích cầu.

  • Lê Nhung 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,