221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1234324
Dioxin và chuyện ba chén trà
1
Article
null
Dioxin và chuyện ba chén trà
,

 - Đã bắt đầu có sự mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ giải quyết hậu quả da cam/dioxin bằng những dự án cụ thể về môi trường và con người.

Một năm kể từ cuộc họp lần 3, những thành viên của Ủy ban Cố vấn hỗn hợp Mỹ - Việt về da cam/dioxin (JAC) tiếp tục phiên họp kế tiếp (đang diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 đến 10/9) nhưng với tinh thần bận rộn hơn.

Khác với cuộc họp năm trước khi ngồi ghế đồng chủ tịch JAC, TS Kevin Teichman, Phó Giám đốc Vụ Nghiên cứu khoa học và phát triển, Cục bảo vệ môi trường Mỹ hào hứng mở đầu phiên họp bằng câu chuyện ba chén trà, lấy tứ từ một thành ngữ cổ trong câu chuyện viết ở Afghanistan của một người Mỹ.

Đại ý rằng, những người mới gặp gỡ, khi uống chén trà đầu mong biết về nhau, uống chén thứ hai để có niềm tin và uống chén thứ ba để như những thành viên trong gia đình với nhau. Khi có niềm tin, khi gần gũi thì có thể chia sẻ những nỗ lực để cùng nhau thực hiện một công việc, mục đích nào đó.

Tuy nhiên, vị TS này "thú nhận" ở cuộc họp, ông đã có nhiều chén trà hơn thế với người đồng nghiệp Việt Nam, TS Lê Kế Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33, nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cũng như với nhiều các đối tác, đồng nghiệp Việt Nam khác. 

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

JAC là một kênh chính thức đưa ra những "cố vấn" khoa học có cơ sở, uy tín cho chính phủ hai nước để góp phần giải quyết vấn đề da cam/dioxin, một vấn đề hậu chiến tranh nhức nhối của Việt Nam. Có lẽ, trong 4 lần họp, đây là lần đầu tiên, các thành viên của hai phía Việt - Mỹ trong JAC có thể ngồi với nhau để thảo luận về những dự án thí điểm cụ thể về khía cạnh môi trường, y tế, đang bắt đầu triển khai nhằm giải quyết hậu quả da cam/dioxin ở Việt Nam.

Họ thảo luận về tiến độ thử nghiệm phương pháp sinh học xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, đánh giá đặc điểm địa lý, thủy văn và con đường lan truyền dioxin tại khu quân sự Biên Hòa, kế hoạch tổng thể về xử lý dioxin tại 3 điểm nóng: sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về khắc phục cơ bản hậu quả chất độc da cam/dioxin Việt Nam... 

Thực tiễn đã có những nỗ lực hợp tác từ hai phía trong nhiều năm qua, nhưng kể từ 2007 và 2009, khi Quốc hội và chính quyền Mỹ chính thức phê chuẩn và thông qua khoản kinh phí tổng cộng 6 triệu USD cho các dự án tẩy độc môi trường và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam ở Việt Nam, thì dường như việc giải quyết vấn đề mới bắt đầu đi vào thực chất.

Không chỉ JAC, sự phối hợp giải quyết vấn đề da cam/dioxin giữa hai bên cũng sôi nổi hơn trên các kênh khác, với sự tham gia của Nhóm đối thoại Việt - Mỹ, các chương trình của Qũy Ford và các tổ chức quốc tế khác...Trong khi JAC đưa ra những khuyến nghị về khoa học thì Nhóm đối thoại Việt - Mỹ cũng đang chuẩn bị thảo luận đề xuất một kế hoạch dài hạn lộ trình giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Hồi năm 2006, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống George Bush, hai nước ra Tuyên bố chung đồng ý cùng nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa dioxin trước đây và cho rằng việc này sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nước.

Dẫu đã tốn nhiều chén trà nhưng TS Kevin Teichman vẫn dẫn ra "bài học rõ ràng" nhất để có thể đạt được thành công, đó là hai bên phải có niềm tin cũng như để đạt được mục tiêu chung, cần có tinh thần hợp tác chặt chẽ. 

Da cam là một vấn đề nhạy cảm đối với nhiều nhóm người ở Hoa Kỳ và Việt Nam như lời Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói. Những khởi động thực chất vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu rất nhỏ, so với thực tiễn tồn tại. Các chương trình, chính sách của Nhà nước Việt Nam thực hiện sau chiến tranh nhằm xử lý hậu quả da cam/dioxin vẫn là hữu hạn so với nhu cầu cấp bách.

Bởi lẽ, còn nhiều điểm ô nhiễm chưa được khai quật và đánh giá đầy đủ tác động đối với con người cũng như thời gian không là vô hạn đối với hàng triệu nạn nhân. Còn cần không chỉ vài triệu USD mà hàng trăm triệu USD để xử lý tổng thể những tồn lưu và hậu quả của chất da cam/dioxin với con người và môi trường. Có thể, con số thống kê, tổng điều tra sắp tới sẽ không chỉ là 3 triệu nạn nhân ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Trong nỗ lực hợp tác song phương, những thỏa thuận chính thức về một chương trình dài hạn, hiệu quả cho vấn đề da cam/dioxin của Chính phủ hai nước như Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường đề xuất là thích hợp trong bối cảnh tổng thể quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp hiện nay.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,