221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1234657
Làm việc chốn công quyền có "màu mè" gì không?
1
Article
null
Làm việc chốn công quyền có 'màu mè' gì không?
,

 - "Chỉ khi nào công chức và những người thân, bạn bè của họ không còn câu hỏi cửa miệng: "Làm việc chỗ đó có màu mè gì không?", chúng ta mới yên tâm rằng tư tưởng của mọi người trong xã hội đã hướng thiện và cuộc sống đã được đảm bảo bằng chính đồng lương của mình. Khi đói thì đương nhiên người ta phải xoay sở và tìm cách "ăn vụng " - độc giả Nguyễn Thành Long chia sẻ.

Hàng trăm bạn đọc đã gửi về diễn đàn của VietNamNet chuyện về những công chức "túng thì phải tính".

Những công chức thâm niên hàng chục năm trong nghề "tố" với VietNamNet về đồng lương chết đói khiến họ không bao giờ dám mơ đến chuyện xây nhà, mua xe. Một số khác cho rằng, hiển nhiên, công chức chẳng ai sống bằng lương và do đó "không phải vô cớ mà nhiều người sẵn sàng mất hàng vài chục triệu đồng để kiếm một chân vào biên chế".

Như vậy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mới chỉ làm ở phần ngọn (thủ tục giấy tờ) chứ chưa đụng đến được phần gốc (con người), như phân tích của độc giả Phan Bảo Lâm (TP.Hồ Chí Minh).

Mô tả ảnh.
Ảnh: Phạm Hải

Bí thư, chủ tịch phường: "Lương chúng tôi có đủ sống không?"

Nhẩm tính những khoản chi của một công chức trẻ, thạc sỹ Nguyễn Đức Hùng (Hải Phòng) tâm tư: "Với mức lương 1,5 triệu đồng, chi tằn tiện lắm cũng phải mất 1,8 triệu mỗi tháng. Chưa kể vì biết "thân phận" công chức nên không người yêu, không vợ con, không có tiền giao du quan hệ, còn may là có nhà ở gần cơ quan, không phải đi thuê mướn tốn kém".

Để giữ lương tâm trong sạch, các công chức trẻ đành xin cha mẹ mỗi tháng 300 ngàn đồng bù vào khoản chi vượt trội. Thế là "ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu", các nam công chức có muốn lấy vợ, xây nhà, nếu không phải là nhờ tiền cha mẹ thì cũng là do "biết xoay xở".

Độc giả Toàn Thắng (Lạng Sơn) than: "2-3 triệu/ tháng là còn cao, chúng tôi là những cán bộ chủ chốt của một phường (bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND phường) thuộc trung tâm thành phố, trình độ đại học, đã công tác 10 năm nhưng lương chỉ có vẻn vẹn 1,6 triệu/ tháng. Hỏi với thời giá hiện nay có đảm bảo cuộc sống không?".

Nhiều độc giả nói thẳng, công chức muốn vào làm ở cơ quan nhà nước vì muốn công ăn việc làm ổn định. Nhưng để kiếm sống thì phải "tính cách".

Độc giả Bùi Anh Quang (Tuyên Quang), người từng có 9 năm hưởng lương trong biên chế Nhà nước ở một sở cho hay, đồng lương không đáp ứng được mức sống nên công chức mới phải "tính", mà tính ở đâu ra? "Ở chính thủ tục hành chính".

"Càng rườm rà, lắm khâu, nhiều người chịu trách nhiệm càng tốt. Đáng lẽ công việc giao chỉ một ngày là xong nhưng cứ để đấy vì thời hạn những 5 ngày mới phải hoàn thành, thời gian còn lại lo kiếm tiền phục vụ bản thân. Theo tôi, Nhà nước cần có chế độ hợp lý đối với công chức để họ có thể sống bằng đồng lương, nuôi được gia đình và con cái thì họ sẽ bớt phải "TÍNH", vì họ là những người tham mưu ra thủ tục hành chính nên khi đủ ăn rồi thì sẽ không nhũng nhiễu, hạch sách và chuyên tâm vào công việc", anh Quang nói.

Ngay các quan chức Bộ Tài chính trong buổi làm việc đầu tuần qua với Tổ công tác cải cách hành chính cũng nói thẳng, nếu để cấp dưới tự tay rà soát, cắt bỏ thì chẳng dễ dàng vì hầu như ai cũng thấy các thủ tục như hiện nay đã là "quá đủ rồi".

Để TTHC không là "chùm khế ngọt"

Nhiều độc giả cho rằng Nhà nước đang trả đồng lương "chết đói" cho những người làm việc trong bộ máy, khiến những người tâm huyết thì mòn mỏi, người "giỏi xoay xở" thì tìm cách ứng biến, mất hết cả kỷ cương.

Anh Hoàng Sơn (Thanh Hóa), một cựu giảng viên từng đứng lớp 4 năm, nay đã phải bỏ trường lớp, sinh viên ra ngoài kinh doanh, hiến kế: "Cần xem lại ngay việc bổ nhiệm công chức hiện nay, chỉ bổ nhiệm những người đúng chuyên môn, có năng lực".

Theo anh Sơn, chỉ có thu gọn bộ máy nhà nước đang rất cồng kềnh hiện nay thì mới có ngân sách để trả lương xứng đáng cho những cán bộ, công chức được việc vì có không ít những người rất tâm huyết.

Anh Nguyễn Đức Vinh (Hà Nội) nói rõ hơn:  "Vốn dĩ khi sinh ra, TTHC không có tội, mà mọi tội lỗi đều do con người gây ra".

Theo anh Vinh, cải cách đầu tiên cần làm là cải tạo con người, cải cách phương án chọn người và giao nhiệm vụ gắn liền với trách nhiệm của người được giao. Tuyển công chức không phải là để chia phần thưởng sau khi tuyển mà phải là sự giao kết giữa bên giao và bên nhận nhiệm vụ, với mức lương kèm theo (đã nhận thì không thể lý giải vì túng sinh ra tính).

Khi công chức tự thấy các TTHC quá phiền hà, họ sẽ chủ động tham mưu cho các cơ quan lập pháp bãi bỏ, còn với người dân, do không có chuyên sâu về nghiệp vụ thì khó có thể góp ý với chính quyền như thế nào thì gọi là thủ tục phiền hà.

Chỉ khi nào công chức nhận thấy các TTHC không còn là "chùm khế ngọt để họ trèo hái mỗi ngày", tự khắc họ sẽ tìm cách chặt bỏ bớt những cành rườm rà.

Độc giả Nguyễn Triệu Dân (Gia Lâm - Hà Nội) than: "Phải tinh giản bộ máy cán bộ, công chức. Nơi tôi làm việc, lãnh đạo cơ quan uống nước từ sáng đến trưa, trưa đi ăn cơm xong ngủ đến 2 - 3 h chiều".

Nhiều độc giả cũng chỉ ra, dù "kêu"  lương chết đói, nhưng đã mấy ai tự nguyện bỏ nghề, sau khi đã phải "chạy" hàng chục triệu để vào biên chế.

"Nhiều người vẫn bám lấy ghế để được nhàn hạ, chờ thăng tiến, và điều cốt lõi là ra sức hạch sách, hành hạ, gây khó dễ cho dân", độc giả Nguyễn Hùng (Cộng hòa Séc).

Còn theo một độc giả có nick-name patriod_vn ở TP Hồ Chí Minh, hầu như công chức từ trước đến giờ không chỉ sống bằng lương.  Bời vì hầu hết công việc của công chức đều có một một vai trò, một đặc quyền nào đó trong xã hội.

Như vậy, "xén" thủ tục nào cũng khó vì chạm đến vấn đề "gốc".

Như chính Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã nói, "giảm thủ tục nhưng cán bộ nhũng nhiễu thì dân còn khổ".

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,