- "Dù doanh nghiệp và các hộ nuôi cá rất cần vốn nhưng kết quả giải ngân hỗ trợ lãi suất với ngành thủy sản ở An Giang rất thấp. Đến hết tháng 7, tổng dư nợ ngân hàng đã đầu tư nuôi trồng chế biến thủy sản chỉ có 643 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn người nuôi cần là 2.700 tỷ đồng", PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ An Giang Mai Thị Ánh Tuyết nêu trong tham luận gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây.
Nhà, ao đều của ngân hàng
Khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay xuất phát từ những ràng buộc và điều kiện của ngân hàng.
Ảnh: Hà Yên
Chẳng hạn, nếu muốn được vay, người nuôi phải có xác nhận nuôi trong vùng quy hoạch, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có tài sản thế chấp, phải trả dứt nợ cũ, nợ quá hạn.
"Tài sản của người nông dân chỉ có nhà ở và ao nuôi cá nhưng đã có tới 90% số hộ phải thế chấp sổ đỏ, sổ hồng cho ngân hàng để vay vốn sản xuất. Hầu hết đều không còn tài sản thế chấp để được ngân hàng đồng ý cho vay thêm các khoản tiền mới", bà Ánh Tuyết cho hay.
Theo thống kê của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, hiện có tới 25-30% số hộ nuôi bị phá sản, 40-50% bị mất vốn và nợ ngân hàng. Chuyện người nuôi cá tra ở An Giang "ở nhà của ngân hàng, ao của ngân hàng" đã thành phổ biến.
Trong khi đó, người nuôi thủy sản từ trước đến nay có thói quen không sử dụng hóa đơn, chứng từ khi mua con giống, xăng dầu, thuê mướn nhân công nên không thể xuất trình hóa đơn, chứng từ với ngân hàng.
Ngay cả việc hỗ trợ vốn vay mua máy móc thiết bị vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở, cho đến nay cũng chưa giải ngân được là bao.
Bà Tuyết kiến nghị Chính phủ "cần tháo gỡ ngay các nút thắt trong những tháng tiếp theo để nông dân được hưởng lợi từ chính sách".
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chương trình kích cầu của Chính phủ những tháng cuối năm nên đẩy mạnh vào nông nghiệp, nông thôn. Muốn như vậy, cần gỡ không ít nút thắt trong quá trình triển khai gói kích cầu giai đoạn 1 vừa qua.
Không riêng bà Tuyết với câu chuyện người nuôi cá ở An Giang, mà ngay Phó Tổng GĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam Đào Dung Anh cũng cho hay, chương trình cho vay kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn vẫn còn không ít tồn tại.
Ví như, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do đặc điểm kênh rạch lớn hoặc ở Tây Nguyên diện tích đất đai chủ yếu dành cho trồng cà phê nên lúng túng trong việc triển khai kiên cố hóa kênh mương.
Một số tỉnh như Phú Yên, Nam Định, Thái Bình thậm chí từ đầu năm đến nay còn chưa giải ngân được do chưa có đủ khối lượng đủ điều kiện thanh toán hoặc do nợ quá hạn từ đầu năm.
Sơ kết 4 tháng thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua sắm thiết bị, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng thẳng thắn: “Bà con nông dân làm hợp đồng để ngân hàng thẩm định thì cực khó, ngân hàng làm được chứ người nông dân đâu có trình độ để làm”.
Kích cầu nông nghiệp: Tạo ra nhiều việc làm nhất
Theo tính toán của Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT Đặng Kim Sơn, việc tập trung kích cầu cho sản phẩm khu vực nông nghiệp sẽ tạo việc làm nhiều nhất, khoảng 1 triệu việc làm so với mức 200 - 370 ngàn lao động khi kích cầu vào khu vực công nghiệp và dịch vụ.
"Giải ngân để xây dựng sân bay, đường sắt, bến cảng, nhà máy lọc dầu, khu đô thị mới dù phải chi rất nhiều tiền nhưng do có thể dễ dàng tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm, dễ giành được sự ủng hộ của các nhóm lợi ích nên cũng dễ giải ngân hơn nhiều". Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT Đặng Kim Sơn |
Một nghiên cứu của Viện này đã chỉ ra, tăng cầu tiêu thụ hàng nông lâm thủy sản với giá trị 1%GDP sẽ tăng GDP cả nước 1,2%.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra, việc giải ngân gói kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn luôn là vấn đề khó.
Trong khi đó, "giải ngân để xây dựng sân bay, đường sắt, bến cảng, nhà máy lọc dầu, khu đô thị mới dù phải chi rất nhiều tiền nhưng do có thể dễ dàng tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm, dễ giành được sự ủng hộ của các nhóm lợi ích nên cũng dễ giải ngân hơn nhiều".
Ông Sơn kiến nghị, cần tạo thủ tục thông thoáng, có hướng dẫn và tập huấn cụ thể cho nông dân viết các đề án vay vốn, tạo cơ chế minh bạch và sân chơi công bằng để mọi nông dân đều được tiếp cận vốn. Có như vậy mới hạn chế được việc xin - cho tiêu cực hay các thủ tục và điều kiện chỉ để "đánh đố dân".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cũng cho hay, ngân hàng đã cam kết cung cấp đầy đủ vốn cho các địa phương có nhu cầu, đồng thời kiến nghị Thủ tướng để bổ sung danh mục hàng hóa cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cũng như xem xét kéo dài thời hạn cho vay để người dân tiếp cận nguồn vốn phát huy được hiệu quả.
“Chúng ta đang thực hiện kích cầu và kích hàng hóa trong nước với đối tượng là người nông dân, cái gì không đụng đến tiền thì nên miễn”, ông Khu nói.
-
Lê Nhung