Trưởng, phó ban dân vận các quận, huyện ủy đều thừa nhận thực tế cuộc sống thay đổi nhanh chóng đã dẫn đến sự phức tạp ngày càng tăng trong mối liên hệ giữa chính quyền với người dân.
Để dân tin
Theo bà Phạm Thị Mỹ Loan, Phó ban Dân vận Quận ủy Tân Bình, cái tài trong công tác dân vận chính là phải chọn cho ra cách vận động phù hợp. Mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương có một đặc điểm riêng, không thể áp dụng máy móc cùng một kiểu, một cách vận động.
Ảnh: Đoàn Quý |
Do đặc điểm là địa bàn có nhiều dân nhập cư với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, lại có nhiều dự án, công trình sắp xây dựng, việc giải tỏa, đền bù là vấn đề dân hết sức quan tâm nên Ban Dân vận Tân Bình đã tham mưu cho cấp ủy hướng công tác dân vận tại quận vào hoạt động đối thoại.
Theo bà Loan, chỉ có đối thoại trực tiếp mới tháo gỡ được những vướng mắc, bất đồng để mọi người cùng sát cánh bên nhau vì mục tiêu chung. Kết quả là từ 2008 đến nay, Tân Bình đã có hơn 40 cuộc đối thoại giữa chính quyền, các ban ngành, đoàn thể với nhân dân và nhiều vấn đề gai góc, tồn tại nhiều năm giữa chính quyền với dân, giữa dân với dân đã được giải quyết.
Chùa Cổ Minh ở quận Tân Bình xin dời tượng Phật Quan Âm mà hơn 2 năm trời chưa giải quyết xong do người dân, nhà chùa và chính quyền còn nhiều điều chưa thống nhất. Biết chuyện, Ban Dân vận đã đề xuất và phối hợp với MTTQ VN quận Tân Bình tổ chức các buổi đối thoại 3 bên: nhà chùa - người dân - chính quyền để các bên nói rõ mọi thắc mắc, trở ngại nhằm tìm tiếng nói chung và sau đó, chỉ trong 2 ngày, việc cung nghinh tượng Phật đến vị trí mới đã hoàn tất.
Ông Huỳnh Văn Thọ, Bí thư quận 6, cho rằng muốn tập hợp được quần chúng thông qua việc dân vận, trước hết, cán bộ dân vận phải có tâm. Chính cái tâm ấy sẽ chỉ ra cho người làm dân vận biết người dân cần gì, muốn gì, đang bức xúc hay lúng túng ở chỗ nào mà có cách giúp đỡ, thuyết phục.
Sau khi chọn được "điểm rơi", người làm dân vận còn phải biết tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo những ban ngành hoặc các cấp chính quyền cùng phối hợp thực hiện nhằm giải quyết kịp thời những lợi ích hợp pháp cho dân. Khi đó, dân mới tin và công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả .
"Làm dân vận nếu không đẹp trai thì phải chai mặt", đại diện Ban Dân vận huyện ủy Nhà Bè nhận xét.
Dân vận không được buông xuôi
Ông kể, cứ mỗi lần tới lui chỗ này hay chỗ khác làm công việc vận động, ông và các cộng sự lại nghe bà con nói sau lưng "thằng cha này làm gì mà cứ vác mặt tới đây hoài". Những lúc như vậy, nhiều khi ông cũng thấy kỳ kỳ,"nhưng trách nhiệm mà, hổng làm đâu có được. Phải ráng. Ráng riết cũng quen. Nhiều bà con sau này nói cũng tại mình lì quá nên bà con thương, xiêu lòng".
"Tôi nghe nói ở phường Phước Bình, quận 9, bà con phản ánh cả năm trời chuyện mấy cái cột đèn đứng giữa đường, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người đi đường. Khi dân kêu quá, mấy ông ở phường bảo giờ mấy ông không biết làm sao, kêu cả năm rồi, hết cách rồi. Trả lời với dân vậy sao được?", Phó Bí thư Thành ủy Huỳnh Thị Nhân đặt vấn đề.
Theo bà Nhân, dân kêu đúng thì phải giải quyết: "Mấy cái cột đèn đó nếu kêu rồi mà đơn vị quản lý không làm thì phải báo cho quận. Quận giải quyết không được thì kêu tới thành phố chứ sao lại buông xuôi? Không nhẫn nại, bền chí thì làm dân vận không thành công được".
Bà Nhân cũng chia sẻ: "Các ban Dân vận địa phương phải luôn là người tham mưu và thiết kế các mô hình vận động sao cho thu hút, hấp dẫn để lôi tất cả các ban ngành, chính quyền vào cuộc, biến nó thành chủ trương của cấp ủy. Sau khi cấp ủy có chủ trương thì Ban Dân vận phải tiếp tục đeo bám, theo dõi để kịp thời biểu dương những mô hình tốt, điển hình hay và chuyển mô hình này thành phong trào chung".
"Muốn tập hợp dân thì phải làm cho tới nơi, tới chốn", Phó Bí thư Thành ủy kết luận.
-
Đoàn Quý