- Báo cáo quốc gia về nhân quyền của Việt Nam sẽ được xem xét thông qua chính thức tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) chiều mai 24/9 tại Geneva, Thụy Sỹ. VietNamNet trao đổi với Đại sứ Vũ Dũng, Đại diện thường trực của Việt nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác.
Tiếp cận cởi mở
Thưa Đại sứ, tại phiên họp, Hội đồng Nhân quyền của LHQ sẽ xem xét Báo cáo của Việt Nam theo quy trình như thế nào?
Theo quy định về thủ tục của Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR), phiên họp này sẽ diễn ra trong 60 phút và được chia làm 3 phần dành cho quốc gia tiến hành kiểm điểm, các nước quan tâm và một số tổ chức phi chính phủ có quy chế tư vấn tại Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ (ECOSOC) phát biểu ý kiến. Sau đó, Hội đồng Nhân quyền sẽ xem xét chính thức thông qua Báo cáo.
Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tích cực làm việc với các thành viên của Hội đồng, với Ban Thư ký để chuẩn bị cả về nội dung và hậu cần cho phiên toàn thể. Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác thông tin cả về thành tựu và khó khăn thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhằm giúp bạn bè quốc tế thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình Việt Nam, từ đó có tiếng nói khách quan, ủng hộ Việt Nam.
Với tinh thần cầu thị, chúng tôi lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên của Hội đồng. Có thể nói quá trình chuẩn bị cho phiên toàn thể tại Hội đồng đã hoàn tất, Việt Nam đã sẵn sàng cho phiên họp ngày mai.
Đại sứ Vũ Dũng (ngoài cùng bên trái) tại phiên báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người tại LHQ tháng 5/2009. Ảnh: VNN |
Việt Nam đã tiếp thu như thế nào những ý kiến của cộng đồng quốc tế sau phiên báo cáo kiểm điểm hồi tháng 5 vừa qua để hoàn thiện bản báo cáo trình Hội đồng Nhân quyền LHQ, thưa Đại sứ?
Để chuẩn bị cho phiên họp, các cơ quan trong nước đã soạn thảo một tài liệu thông báo về tình hình thực hiện các khuyến nghị đưa ra đối với Việt Nam và gửi tới Ban Thư ký Hội đồng ngày 27/8 vừa qua, nêu rõ những chính sách, cơ chế và biện pháp đang được triển khai cũng như lộ trình thực hiện các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế trong thời gian tới.
Xin nhắc lại rằng Việt Nam đã chấp thuận trên 80% trong tổng số 123 khuyến nghị của các nước tại phiên kiểm điểm tháng 5/2009. Đây là tỷ lệ rất cao trong trong số gần 80 nước đã tiến hành kiểm điểm, thể hiện cách tiếp cận cởi mở, đối thoại xây dựng và có trách nhiệm của phía Việt Nam. Đối với một số ít khuyến nghị Việt Nam không chấp nhận thì cũng đã có giải thích thỏa đáng.
Thiểu số đang thay đổi
Thực tiễn Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quyền con người. Điều này cộng đồng quốc tế ghi nhận và chia sẻ ra sao?
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một nước nghèo, hậu quả chiến tranh nặng nề, hạ tầng cơ sở thiếu thốn, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn thì những thành tựu về đảm bảo quyền con người của chúng ta là rất đáng tự hào.
Cộng đồng quốc tế nhìn chung có cách nhìn khách quan, đánh giá cao những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm những quyền cơ bản nhất của người dân ở Việt Nam.
Không ít nước phát biểu tại phiên kiểm điểm tháng 5/2009 đã coi Việt Nam là mô hình tốt cho các nước đang phát triển, đồng thời đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm này với bạn bè. Về phần mình, đương nhiên chúng ta hiểu rằng còn nhiều việc phải làm để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và nhu cầu của người dân.
Thực tế, có những tiếng nói căn cứ vào những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền con người để diễn giải một bức tranh nhân quyền chưa hoàn thiện ở Việt Nam?
Việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là một quá trình liên tục và lâu dài. Trong quá trình này, các vấn đề và thách thức mới luôn nảy sinh, đòi hỏi các quốc gia phải không ngừng nỗ lực cải thiện điều kiện và môi trường sống của con người.
Việt Nam muốn thực hiện cách tiếp cận cởi mở, đối thoại xây dựng và có trách nhiệm trong vấn đề nhân quyền. Ảnh: VNN |
Với sự giao lưu ngày càng tăng, đa số các nước có cách nhìn nhận ngày càng đúng đắn về tình hình Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận ra điều đó qua kết quả các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao nhiều nước, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và phát biểu của bạn bè bốn phương về Việt Nam.
Tôi cho rằng phần lớn những đánh giá chưa phù hợp về tình hình Việt Nam chủ yếu do thiếu thông tin. Nhiều người chưa được cập nhật về tình hình Việt Nam, chưa được tận mắt chứng kiến những thay đổi ở Việt Nam và vì vậy vẫn bị ảnh hưởng bởi một nhãn quan cũ.
Đương nhiên, cũng có những nhóm, những cá nhân vì nhiều lý do khác nhau như lợi ích riêng và thậm chí hận thù mà luôn luôn tìm cách bôi nhọ đất nước mình. Tôi xin miễn bình luận về bản chất của các hoạt động này song chỉ biết rằng đấy là thiểu số và thiểu số đó cũng đang thay đổi.
Đánh giá của Đại sứ về kênh đối thoại song phương hoặc khu vực với các nước trong cộng đồng quốc tế để làm rõ các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam? Nguyên tắc đối thoại của Việt Nam?
Đối thoại và hợp tác song phương với các quốc gia khác về những vấn đề quyền con người cùng quan tâm là một chủ trương lớn của Việt Nam, để giúp cộng đồng quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về những điều kiện đặc thù của Việt Nam, đặc biệt là hệ thống luật pháp, chính sách, hoàn cảnh lịch sử, bản sắc văn hóa... với tinh thần chung là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hạn chế khác biệt, nêu cao nguyên tắc khách quan, xây dựng.
-
Xuân Linh