- Sau một tháng cử đoàn đi giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng, sáng nay (30/9), Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã công bố những kết quả đầu tiên.
Theo đoàn giám sát, cơ chế hỗ trợ lãi suất trong gói kích thích kinh tế đã có ý nghĩa tích cực, đảm bảo kinh tế ổn định và phát triển.
Tuy có nhiều nghi ngại trong quá trình triển khai nhưng đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài, gói hỗ trợ đã làm tốt sứ mệnh.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị tăng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức tín dụng với cá nhân, hộ sản xuất nông lâm ngư nghiệp lên tối đa 50 triệu đồng. Ảnh: Lê Nhung |
Các thành viên Ủy ban cũng như đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng cần kết thúc gói hỗ trợ đúng hạn hơn là thêm một gói kích thích thứ hai.
Chưa tác động nhiều đến sản xuất
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến kể lại câu chuyện, chính ĐBQH Trần Du Lịch khi làm việc với Coca Cola Việt Nam đã được họ thông báo là kết quả kinh doanh năm nay lãi tăng tới 40% so với các năm khác, nhờ chương trình cho vay của Chính phủ.
Tuy nhiên, thành tích này chưa phản ánh đúng năng suất, hiệu quả kinh doanh.
"Một số doanh nghiệp cũng phản ánh chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đã không phản ánh đúng tình hình. Cần kết thúc sớm chương trình để hạn chế việc bội chi ngân sách", ông Nguyễn Đồng Tiến đề xuất.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, cơ chế hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã phát sinh tình trạng thiếu công bằng.
Mức hỗ trợ 4% năm khá lớn, đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều lĩnh vực, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thay vì thêm một gói thứ hai, nên đẩy mạnh các cải cách như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ chế hợp lý.
Một trong những tồn tại của gói hỗ trợ lãi suất được đoàn giám sát chỉ ra, đó là chính sách hỗ trợ, nếu kéo dài, sẽ gây khó khăn cho điều hành tiền tệ, lãi suất.
DN khi ngừng cho vay có thể sẽ gặp khó khăn với các dự án đầu tư mới, gia tăng nguy cơ rủi ro cho các tổ chức tín dụng vay vốn.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương Lê Đình Khanh, cơ chế cho vay chưa tập trung định hướng để cơ cấu lại nền kinh tế.
Cần ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích phát triển hoặc cho các DN đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao.
Chính vì vậy, hầu như gói kích cầu chưa tác động nhiều đến sản xuất, chỉ người kinh doanh được hưởng lợi. Chưa kể, hàng hóa làm ra nhưng không có thị trường tiêu thụ.
Cải thiện kích cầu nông thôn
Đại diện Ngân hàng Nhà nước và các thành viên Ủy ban đều thống nhất nên tập trung đầu tư hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn vì chương trình hỗ trợ cho khu vực này vừa qua chưa thấm vào đâu.
Theo ông Lê Đình Khanh, các chính sách hướng dẫn hỗ trợ còn chưa đồng bộ (quyết định số 131, số 443 và 497). Thời gian được hỗ trợ, mức lãi suất đều khác nhau. Chưa kể, quyết định 497 chỉ ưu tiên hỗ trợ hàng nội.
Tuy nhiên, như Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Văn Sỹ đã chỉ ra, chất lượng các thiết bị sản xuất trong nước chưa cao nên nông dân không mấy mặn mà. "Thiết bị của Việt Nam đơn năng, còn nước ngoài đa năng. Trong khi máy sấy Trung Quốc giá 10 triệu thì của Việt Nam lên tới 15 triệu đồng", ông Sỹ dẫn chứng.
Các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng nếu không cải thiện thủ tục cho vay theo hướng thông thoáng thì hiệu quả sẽ không cao. Mặt khác, với khu vực kinh tế này, cần có chính sách tín dụng ưu đãi toàn diện.
Một yêu cầu đặt ra là Chính phủ phải tổ chức đánh giá toàn diện hiệu quả kinh tế - xã hội và báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ này để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội năm sau.
Phó Thống đốc NHNNVN Nguyễn Đồng Tiến: Theo tính toán ban đầu, với mức hỗ trợ lãi suất 4% thì tương ứng với số tiền kích cầu 1 tỷ USD (17 ngàn tỷ đồng). Sau đó, Chính phủ bổ sung thêm các khoản cho vay nông nghiệp - nông thôn, vay trung hạn... thì số tiền hỗ trợ sẽ phải tăng lên. Cho đến nay, vẫn chưa có con số chính thức thông báo về việc hỗ trợ được bao nhiêu. Theo đánh giá sơ bộ, số tiền thực tế đã hỗ trợ là 3 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 7 là 403.448 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm, con số giải ngân là 600 ngàn tỷ đồng. |
-
Lê Nhung