- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu mong muốn Quốc hội cho phép thành lập cơ chế thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
"Quá cần thiết"
Luật hóa những quy định quản lý chặt chẽ thức ăn đường phố. Ảnh: VNN |
Tuy nhiên, với đặc thù nền sản xuất nhỏ, phân tán, chế biến không tập trung, nhập khẩu ngạch tiểu ngạch nhiều, các đại biểu cho rằng khó nhất là thiết kế được các quy định có tính khả thi cao nhằm quản lý an toàn thực phẩm.
Gợi ý cần tập trung vào một số vấn đề nổi cộm, gây nguy hại lớn trong cộng đồng như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng luật "quá cần thiết" nhưng phải làm sâu sắc các quy định cũng như làm rõ trách nhiệm quản lý của các ngành liên quan đến an toàn thực phẩm, đặc biệt là Bộ Y tế.
Thẩm tra dự luật, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Văn Chiến nói dự thảo cần có quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố.
Chế tài đủ mạnh
Liên quan việc thanh tra an toàn thực phẩm nói chung, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu mong muốn Quốc hội cho phép thành lập cơ chế thanh tra chuyên ngành đặc biệt.
"Nếu mỗi cục trưởng thực phẩm là tư lệnh mặt trận, muốn đi thanh tra đột xuất thì có cơ chế, công cụ ngay", ông nói. Đồng tình với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Thị Thu Ba cho rằng giống như giao thông, an toàn thực phẩm nên được áp dụng cơ chế thanh tra chuyên ngành đặc biệt. Bà nói "nếu làm được thì tốt, nếu không mạnh dạn thì khó", đồng thời mong muốn đặt ra chế tài đủ mạnh để có sức răn đe cao.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi về tính khả thi của cơ chế quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm như dự luật thiết kế. Trong điều kiện sản xuất, lưu thông, chế biến ở Việt Nam hiện nay, ông đặt vấn đề: "Có theo dõi được từ đầu đến tận bữa cơm của người dân? Phải hiểu thế nào cho đúng là quản lý theo chuỗi?".
Các đại biểu cũng thảo luận về quy định quản lý thực phẩm biến đổi gen, trong đó có việc ghi nhãn về tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen trên sản phẩm. UB Khoa học Công nghệ và Môi trường QH kiến nghị nếu vượt mức giới hạn tối thiểu tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen trong thực phẩm thì phải ghi trên nhãn, cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Dự luật an toàn thực phẩm sẽ được trình xem xét, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6 của QH diễn ra tuần sau. Dự kiến thời gian có hiệu lực sau khi luật được thông qua vào năm 2011.
-
Xuân Linh