- Một trong những sửa đổi "có tính cách mạng" Luật Giáo dục là giao quyền cho UBND các cấp kiểm tra, giám sát hiệu quả, chất lượng hoạt động các trường ĐH, CĐ. Gây tranh cãi nhiều nhất trong phiên thảo luận sáng nay ở Ủy ban Thường vụ QH là quy định về thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập trường ĐH vẫn nên để cho Thủ tướng hay giao cho Bộ trưởng Giáo dục.
Thủ tục lập trường ĐH: Rút 3 bước thành 2 bước?
Nhiều vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đã được ông Nguyễn Thiện Nhân thuyết trình trước Ủy ban Thường vụ QH.
So với dự thảo đưa ra lần đầu hồi tháng 8, dự thảo lần này bổ sung thêm một số điều khoản mới, như về phân cấp quản lý...
Gây tranh cãi nhiều nhất là quy định về thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập trường ĐH - hiện đang thuộc về Thủ tướng.
Ảnh: Lê Anh Dũng.
Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền trên cho Bộ trưởng GD&ĐT, dựa trên quy hoạch đã có. Cách làm này, theo Phó Thủ tướng, rút gọn được quy trình từ ba bước xuống còn hai bước.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH, cơ quan thẩm tra dự án luật không tán thành với sửa đổi trên.
Lý do mà Ủy ban đưa ra là việc thành lập trường ĐH liên quan đến chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển giáo dục - đào tạo quốc gia.
Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường ĐH không hội đủ các điều kiện vừa qua đang làm dư luận lo ngại.
Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ phải xem lại chủ trương phân cấp. Thẩm quyền lập trường ĐH phải tương quan với thẩm quyền lập viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện, nhà hát, bảo tàng...
Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, có thể tùy từng loại trường để áp dụng linh hoạt, 2 bước, 3 bước, thậm chí 2,5 bước.
"Những trường ĐH mà Chính phủ thấy cần đầu tư tài chính đặc biệt, giám sát đặc biệt và có yêu cầu đặc biệt như các ĐH Quốc gia, các trường ĐH trọng điểm... thì Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương. Còn lại cứ theo chiến lược, quy hoạch giáo dục và áp dụng quy chế để giao quyền cho Bộ trưởng", ông Nhân nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi tán thành đề xuất này vì cho rằng Thủ tướng chỉ nên quyết định chủ trương thành lập với những trường có vị trí đặc biệt trong nền giáo dục quốc dân, hoặc có ý nghĩa chính trị đặc biệt.
Phân cấp giám sát chất lượng giáo dục ĐH, CĐ cho địa phương?
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói rõ, việc kiểm tra, giám sát hiệu quả, chất lượng hoạt động các trường ĐH, CĐ sẽ do UBND các cấp đảm nhiệm dựa trên các quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành.
Phó Thủ tướng giải thích, lâu nay các sở GD-ĐT không đủ thẩm quyền kiểm tra chất lượng các trường ĐH, CĐ vì đó là đặc quyền giám sát của Bộ GD-ĐT.
Với quy mô gần 400 trường ĐH rải khắp các tỉnh, Bộ giám sát không xuể. "Đông tới mức Bộ không thể nhớ được tên hiệu trưởng... Nếu một tuần chúng tôi kiểm tra được 2 trường thì đi 3 năm rưỡi mới hết một vòng", ông Nhân cho hay.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, một trong bốn nguyên nhân chính làm cản trở bước tiến của giáo dục nước nhà là "quản lý tập trung ở Bộ GD - ÐT trong khi số lượng các trường tăng rất nhanh và sự tự chịu trách nhiệm của tập thể giảng viên, cán bộ, công nhân viên của nhà trường về sự phát triển của nhà trường còn hạn chế trong nhiều trường ÐH, CÐ". Theo ông, với nguyên nhân này, "đến nay chưa có giải pháp tương xứng". Các giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém là ba nhóm giải pháp đã thực hiện từ năm 2007.
Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc cuối tháng này.
Sư phạm: từ “miễn học phí” sang “tín dụng ưu đãi” Bản giải trình tiếp thu ý kiến từ phiên họp trước của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khá cặn kẽ, chi tiết. Sau khi lắng nghe các ý kiến ngay tại phiên họp hôm nay, ông Nhân cũng đã giải trình tiếp thu luôn. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH vẫn yêu cầu làm rõ thêm nhiều nội dung. Chẳng hạn, chính sách “miễn học phí” đối với sinh viên ngành sư phạm như quy định của Luật giáo dục hiện hành được đề xuất sửa đổi theo hướng “hưởng tín dụng ưu đãi” (SV ra trường làm trong ngành thì không phải trả nợ, còn chuyển sang làm nghề khác thì phải trả). Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nên cân nhắc. "Bộ nên tổng kết lại xem từ khi miễn giảm đến nay, có bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường không đi dạy. Phải từ số liệu thực tế mới nên thay đổi chính sách", bà Mai nói. |
- Lê Nhung