- Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối và yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các lực lượng của mình chấm dứt ngay và không lặp lại các hành động ngăn cản, cướp phá tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam khi họ vào đảo để tránh, trú bão.
Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu cho biết, hôm nay (16/10), Hội chính thức có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc ngư dân tại Quảng Ngãi gặp nạn khi vào trú bão tại đảo Trụ Cẩu, quần đảo Hoàng Sa.
Phải bồi thường thiệt hại
- Được biết Hội Nghề cá Quảng Ngãi đã có báo cáo về việc ngư dân huyện Bình Sơn, Lý Sơn bị cướp phá tài sản, đánh đập khi trú bão số 9. Nội dung cụ thể sự việc như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi vừa nhận được báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi về việc ngư dân trong tỉnh khi trú bão tại đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh đập và tịch thu tài sản.
Mỗi ngày có hàng nghìn ngư dân ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: TC Thủy sản |
Cụ thể, trưa 28/9, bão số 9 đã ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Hoàng Sa. 16 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở gần đó đã chạy vào đảo Trụ Cẩu để tránh bão nhưng bị các lực lượng của Trung Quốc đứng trên đảo nổ súng không cho vào.
Đến 15h cùng ngày, sóng gió mạnh lên cấp 11-12, nếu không vào đảo, tàu sẽ bị đánh chìm và tính mạng sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, ngư dân Quảng Ngãi quyết định chạy vào để tránh bão.
Lúc này, trong khu vực đảo Trụ Cẩu đã có rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc cũng đang tránh trú bão từ trước đó.
Sau khi bão tan, tàu đánh cá của ngư dân ta chuẩn bị rời đảo thì bị chiếc tàu lớn của Trung Quốc có số hiệu 1312 chặn lại. 3 chiếc canô tiến lại tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, trong đó có 1 ngư dân mặc quân phục rằn ri và cầm súng hỗ trợ cho những người khác mặc quần đùi, áo phao, tay cầm dao, búa xà beng lên tàu và ra lệnh cho ngư dân Việt Nam - có 1 phiên dịch tiếng Việt - đưa hai tay ra sau gáy, và tập trung ở boong tàu.
Sau khi quay phim, chụp ảnh xong, những người này bắt đầu lục soát, lấy đi tất cả các trang thiết bị thông tin liên lạc như máy thông tin, bộ đàm, máy định vị; đập phá các trang thiết bị, ngư cụ khai thác; lấy tất cả các tư trang cá nhân có giá trị như điện thoại di động, đồng hồ, dây chuyền; ném tất cả xoong, nồi, đổ bỏ lương thực, thực phẩm xuống biển, lấy đi tất cả các sản phẩm thủy sản có giá trị.
Không những thế, họ còn đánh đập dã man những thuyền trưởng, thuyền viên mà họ cho rằng không khai báo thành thật.
Tất cả các tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi trú bão tại đảo Trụ Cẩu đều bị lục soát, đập phá và cướp tài sản như vậy, gồm 3 tàu tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và 13 tàu của huyện đảo Lý Sơn.
Thuyền trưởng Trương Minh Quang vẫn chưa hoàn hồn sau tai nạn. Ảnh: VNN
- Trước sự việc này, Hội Nghề cá Việt Nam có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân?
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động này. Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các lực lượng của mình chấm dứt ngay và không lặp lại các hành động ngăn cản, cướp phá tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam khi họ vào đảo để tránh, trú bão.
Đồng thời, phải bồi thường những thiệt hại mà phía Trung Quốc gây ra. Chúng tôi có văn bản về thiệt hại của ngư dân ở đây. Chẳng hạn, tàu của ông Bùi Văn Bốn có tổng trị giá tài sản bị mất khoảng 40 triệu đồng, tàu ông Dương Quang Giàu mất 70 triệu đồng, tàu ông Trương Thế Mỹ mất 19,5 triệu đồng...
Đảm bảo tính mạng ngư dân
- Văn bản này sau khi ký kết sẽ được Hiệp hội gửi đi như thế nào?
Văn bản số 203, do Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác ký ngày 16/10 sẽ được gửi cho Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam. Một văn bản khác gửi cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam, với nội dung tương tự.
- Ngư dân Việt Nam còn tiếp tục ra khơi và có thể gặp bão, cần nơi trú ấn. Trong tình huống này, Hội Nghề cá Việt Nam có cách gì để bảo vệ ngư dân?
Chúng tôi đề nghị cơ quan trung ương, Chính phủ, bằng con đường ngoại giao, bàn bạc với phía Trung Quốc để khi có bão gió để ngư dân được vào trú tránh an toàn, đảm bảo tài sản, tính mạng của ngư dân, không gây khó khăn cho ngư dân trong quá trình khai thác trên vùng biển của Việt Nam.
Khi gặp bão hay tai nạn trên biển, ngư dân phải tuân thủ luật pháp về ngoại giao. Ví như, khi vào trú bão phải treo cờ Việt Nam đàng hoàng lên, không phải chạy lủi sau tàu nào cả.
Hơn nữa, phải có điện báo cho phía Biên phòng Việt Nam hay các cơ quan ngoại giao Việt Nam trước rằng chúng tôi có tàu, số tàu như thế này, sẽ vào trú bão, xin đề nghị được giúp đỡ. Đấy cũng là việc thường làm như với các nước khác ở vùng Biển Đông thôi.
-
Hà Yên