- Cam kết chính trị cấp cao về chống tham nhũng cũng như pháp luật ban hành giúp Việt Nam có “nền” chống tham nhũng tốt, song quan trọng hơn, quyết tâm phải được thực thi - Tổng Giám đốc Cơ quan hợp tác phát triển (SIDA) Anders Nordström trao đổi với VietNamNet.
Ảnh: XL |
Ông Anders Nordström đang có mặt tại Hà Nội để thảo luận với quan chức Việt Nam về các chương trình hợp tác phát triển mới.
Trong giai đoạn 2009 - 2011, theo Hiệp định hợp tác phát triển mới ký kết hôm 6/10, Thụy Điển sẽ tiếp tục hợp tác chống tham nhũng với Việt Nam.
Theo đó, Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đối thoại về phòng chống tham nhũng với các nhà tài trợ, hỗ trợ thực hiện các dự án liên quan đến minh bạch, đào tạo nhân lực báo chí…
Ngay trong tuần tới, nhằm triển khai thực hiện Hiệp định, Thụy Điển cùng 5 nhà tài trợ nước ngoài khác sẽ cùng hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án Nâng cao năng lực hệ thống thanh tra Chính phủ.
Hành động
Ông có thể cho biết rõ hơn những nội dung hợp tác về chống tham nhũng giữa hai bên theo tinh thần Hiệp định ký kết?
- Tham nhũng là vấn đề quan tâm lớn của không chỉ Chính phủ Việt Nam mà cả Chính phủ Thụy Điển.
Chúng tôi thảo luận những kế hoạch hành động của các cơ quan về phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Đã có luật ban hành cũng như Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng… nhưng quan trọng hơn cả phải thực thi. Hãy chuyển lý thuyết, cam kết, hay định hướng thành hành động.
Trong thảo luận với các cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò báo chí trong việc giúp chính phủ chống tham nhũng. Rồi mọi người cũng nói về sự minh bạch như điều tối quan trọng để người dân biết được những gì đang xảy ra. Vấn đề quan tâm chính của tôi, đó là không chỉ nhà nước mà cả xã hội dân sự, báo chí có thể tham gia vào quá trình chống tham nhũng, thúc đẩy sự minh bạch.
Báo chí không "đáng sợ"
Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí với cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?
- Báo chí có vai trò quan trọng, không phải điều “đáng sợ” mà có thể giúp cho công việc của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng. Chúng tôi đánh giá cao việc báo chí được thông tin về tiến trình diễn ra nhưng báo chí có thể phát huy hơn nữa trong việc giám sát trách nhiệm giải trình về thực thi luật trong cuộc sống hay đảm bảo sự tiếp cận thông tin để thông báo đến công chúng, độc giả về hiện tượng tham nhũng.
Vậy có yêu cầu nào để Việt Nam đẩy nhanh khâu “thực thi” hiệu quả trong quá trình phòng, chống tham nhũng?
- Ví dụ đã có những thảo luận cởi mở về tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục ở Việt Nam như tiếp cận dịch vụ y tế ra sao, bạn phải chi trả cho hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe theo cách này hay cách khác, có xảy ra vấn đề gì khác thường, có đủ cơ chế nguồn bảo hiểm chi trả ra sao… Có hệ thống rộng lớn những vấn đề cần được thảo luận cởi mở cũng như tạo sự minh bạch. Hoặc như trong đấu thầu, công bố tài liệu… cần minh bạch.
Việt Nam đã có cam kết chính trị tốt và đã ban hành luật về chống tham nhũng. Nhưng vấn đề mấu chốt là thực hiện. Cam kết chính trị cấp cao về chống tham nhũng cũng như pháp luật ban hành giúp Việt Nam có “nền” chống tham nhũng tốt, song quan trọng hơn phải biến quyết tâm thành thực thi. Thực tiễn đã có những cải thiện nhưng Việt Nam phải đi một con đường dài.
-
Xuân Linh