Các đại biểu tập trung làm rõ tư tưởng, quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận từ bài báo “Dân vận” của Người, đặc biệt là tư tưởng “dân vận khéo thì công việc gì cũng thành công”. Từ đó, liên hệ với thực tiễn công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ảnh: VOV
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, công tác dân vận không chỉ có từ ngày 15/10/1930, mà trước đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các bậc tiền bối đã làm công tác dân vận một cách sâu sắc, hiệu quả.
Chủ tịch nước yêu cầu phải luôn khắc sâu tư tưởng công tác dân vận, không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng việc làm, bằng sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
"Muốn dân vận thành công trước hết phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thứ hai, người làm công tác dân vận không chỉ viết hay, nói giỏi mà phải có tâm trong sáng…”.
Ôn lại truyền thống 79 năm qua, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Với tinh thần “không để sót một người dân nào”, trong những năm qua, nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính tập hợp quần chúng rộng rãi, phong phú, đa dạng ngày càng được xây dựng và phát triển sâu rộng trong các đối tượng xã hội.
Theo VOV